Yamaha không phải là nhà sản xuất đầu tiên có ý định trang bị đèn laser cho các mẫu xe 2 bánh khi Honda từng nộp bằng sáng chế cho công nghệ này từ năm 2018. Tuy vậy, giải pháp mà Yamaha đang nghiên cứu hướng đến việc đơn giản hóa cấu tạo cũng như giảm giá thành để có thể đưa đèn laser thành trang bị thực tế trên xe thương mại.
Theo đó, Yamaha cho thấy ý tưởng sử dụng một tia laser duy nhất để cung cấp toàn bộ ánh sáng cho hệ thống đèn trên xe tay ga và mô tô, khác với dự án cũ của Honda từng phát triển có 2 tia laser có cường độ khác nhau.
Hình ảnh minh họa trong bằng sáng chế của Yamaha thể hiện hệ thống có các công tắc quang học để bật/tắt đèn, kết hợp cùng các bộ lọc (filter) để xử lý ánh sáng. Cụm đèn laser chính sẽ được đặt ở giữa thân xe và sử dụng cáp quang để đưa các chùm sáng laser đến nơi phát sáng như đèn pha, đèn cốt, đèn hậu, đèn báo rẽ và cả bảng đồng hồ tốc độ.
Cách bố trí này có ưu thế tăng độ bền cho những chi tiết đắt tiền như bóng laser, đồng thời giúp giảm khối lượng của xe thông quang kết cấu đơn giản khi không cần trang bị những cụm đèn truyền thống dùng bóng LED hay Halogen.
Thương hiệu tiên phong đưa đèn laser vào sử dụng thực tế là BMW với các dòng ô tô cao cấp ra mắt từ năm 2014. Đến năm 2016, một chiếc BMW K1600GT trang bị đèn laser đã được trưng bày tại triển lãm CES, tuy nhiên do chi phí đắt đỏ nên công nghệ này đã không có mặt trên xe thương mại.
Đến nay, hãng xe Đức đang dần ưa chuộng đèn LED trở lại khi công nghệ này có được nhiều cải tiến và thu hẹp hiệu quả chiếu sáng so với đèn laser, song song với việc giá thành sản xuất cũng cạnh tranh hơn trước.
So với ánh sáng phát ra từ đèn LED, đèn laser có ưu điểm về tầm chiều xa với khoảng cách lên đến 600 m, đi cùng mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn. Tuy vậy, cấu tạo phức tạp khiến một cụng đèn laser hiện hành có giá thành lên đến 1.000 USD, quá cao để ứng dụng trên xe máy hay cả xe mô tô.