Bất chấp bối cảnh Trung Quốc vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô nhiều nhất thế giới trong năm 2023, thị trường trong nước gần như vẫn rất dè dặt với những mẫu xe đến từ phương Bắc, dù rằng không ít thương hiệu đã và đang đầu tư vào Việt Nam suốt vài năm qua. Ngoài việc chưa xây dựng được mạng lưới bán hàng, các nhà sản xuất Trung Quốc còn phải đối mặt với quan điểm kém tích cực trên diện rộng của khách hàng Việt.
Dễ thấy, đông đảo người dùng trong nước quan niệm rằng hàng hóa nói chung và ô tô nói riêng mang mác “Made in China” có mặt bằng chất lượng không cao, tính tin cậy về lâu dài kém hơn những sản phẩm tương tự đến từ Âu - Mỹ - Nhật - Hàn. Từ đó, xe Trung Quốc được nhiều người xem là hàng giá rẻ, chỉ chấp nhận mua nếu có giá bán hấp dẫn, đi cùng những điểm cộng khác về mặt mẫu mã hay trang bị để bù đắp cho nguồn gốc xuất xứ.
Rào cản lớn về mặt thị hiếu này buộc các công ty Trung Quốc tìm đủ mọi cách để bán được xe ở Việt Nam, bao gồm cả việc ăn theo yếu tố phương Tây. Điều này có thể nhận thấy ở những dòng ô tô không có được lợi thế về giá thành, mẫu mã kém hấp dẫn hoặc đơn giản là hãng muốn hình ảnh nhãn hàng tách biệt khỏi quốc gia láng giềng của Việt Nam.
Cái tên đi đầu và kiên trì theo đuổi cách làm thương hiệu này hơn cả là MG - viết tắt của Morris Garages. Ra đời tại Anh quốc, MG về tay tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc - SAIC Motor từ năm 2007 và gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 6/2020 thông qua TC Services Việt Nam.
Dưới quyền phân phối của công ty con thuộc Tan Chong Motor, MG Việt Nam thường tự nhắc đến bản thân là hãng ô tô nước Anh lâu đời và đáng tin cậy để tạo dựng niềm tin với khách hàng. Dù vậy, các dòng xe MG bán ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ Trung Quốc nên khó tránh khỏi nghi ngại về chất lượng và chủ yếu được bán ra nhờ mức giá thấp hơn xe Hàn, xe Nhật.
Đến nay, nửa năm sau khi SAIC Motor lấy lại quyền kinh doanh MG tại Việt Nam, yếu tố Anh quốc ít được hãng này nhắc đến hơn nhưng vẫn hiện diện đâu đó cùng các mẫu xe MG.
Động thái mượn danh để lập lờ nguồn gốc cũng được TMT Motors áp dụng khi Wuling HongGuang Mini EV kể từ lúc ra mắt liên tục được giới thiệu là sản phẩm của liên doanh ô tô Mỹ có tên viết tắt là SGMW. Tất nhiên, ai cũng biết mẫu điện cỡ nhỏ này thuần túy vẫn là một sản phẩm gốc Trung khi 2 hãng xe SAIC cùng Wuling đại diện cho chữ cái S và W trong tên nhà sản xuất, còn “chất Mỹ” thuộc về General Motors (GM) chỉ mang tính hình thức và giấy tờ.
Chưa dừng lại ở việc truyền thông nhằm định hướng dư luận, đầu năm 2024 TMT Motors còn quyết tâm làm mới hình ảnh bằng cách “thay tên đổi họ” cho Mini EV. Hãng loại bỏ từ HongGuang trong tên xe, dòng chữ Wuling ở đuôi xe được thay thế bằng SGMW, đi cùng 2 decal trang trí bên hông có hình quốc kỳ Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi Wuling Mini EV không có được doanh số tốt và phải giảm giá để thu hút khách hàng.
Thương hiệu gần nhất học hỏi 2 hãng xe đồng hương MG và Wuling là Lynk & Co, tuy nhiên cách làm của hãng xe thành lập tại Thụy Điển bởi Geely và Volvo có phần khéo léo hơn.
Theo đó, Lynk & Co chủ yếu đề cập rằng các mẫu ô tô định vị ở phân khúc cận cao cấp của mình được phát triển bởi đội ngũ châu Âu, đồng thời không né tránh việc xe bán tại Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, các liên hệ với Volvo cũng được đại diện nhà phân phối ở Việt Nam nhắc đến, dù trên thực tế hãng ô tô Thụy Điển ít khi nhắc đến việc chia sẻ công nghệ cho công ty con.
Tất nhiên không phải hãng xe Trung Quốc nào cũng đủ điều kiện để sử dụng phương pháp mượn danh tính kể trên, đơn cử là Haval và Haima. Hai nhà sản xuất này đang ở vào thế khó khi trình làng các sản phẩm với giá bán tương đương, thậm chí là cao xe Nhật cùng hạng như Haval H6, Haima 7X và 7X-E.
Tựu trung, xuất phát điểm của xe Trung Quốc sẽ luôn là vấn đề được người dùng trong nước quan tâm và cân nhắc trước khi chọn mua xe. Các nhà sản xuất nên tôn trọng điều này và cần nỗ lực thuyết phục khách hàng thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như giá thành hợp lý như cách xe Hàn đã gầy dựng thị phần tại Việt Nam nhiều năm qua.