Xe điện Trung Quốc tại Việt Nam: Trào lưu nhất thời hay xu hướng bền vững?

Trong bối cảnh ô tô thuần điện ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển, hàng loạt hãng xe điện Trung Quốc ồ ạt nhảy thị trường trong nước, nhưng người dùng liệu có được hưởng lợi từ làn sóng này hay không?

iPhone on MacBook Keyboard

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường ô tô Việt Nam đón nhận một luồng gió tương đối mới mẻ đến từ các thương hiệu xe điện Trung Quốc. Khuynh hướng này không quá khó hiểu, trong bối cảnh xe điện đang dần trở nên phổ biến trên toàn cầu, và các hãng xe phương Bắc cũng muốn mở rộng thị trường với kỳ vọng đón đầu xu thế nở rộ của ô tô năng lượng mới.

Đến thời điểm này, những thương hiệu đã có mặt hoặc đang triển khai kế hoạch kinh doanh xe điện ở Việt Nam có thể kể đến như MG, Wuling, Chery hay BYD, GAC Aion. Trong số đó, gây chú ý nhất có lẽ là Wuling với dòng sản phẩm Hongguang Mini EV - mẫu xe điện ăn khách trên toàn thế giới và cũng đã được bán tại thị trường trong nước. Chưa kể, BYD đang là "ngôi sao mới" của làng xe điện toàn cầu, với doanh số xấp xỉ Tesla trong nhiều quý liền và cũng đã chính thức vượt mặt hãng xe Mỹ trong quý IV/2023.

Với những thành công nhất định tại thị trường quê nhà và quốc tế, thế nhưng liệu các hãng Trung Quốc có làm được điều tương tự ở Việt Nam, khi xe điện vẫn còn là thứ gì đó tương đối mới mẻ?

Giá bán là yếu tố quan trọng

VinFast VF 3 tạo được sức hút lớn từ cộng đồng nhờ giá bán dễ tiếp cận. 

Những mặt hàng mang xuất xứ Trung Quốc tại Việt Nam thường đi kèm với mác "giá rẻ", đó là tiêu chí đầu tiên để ai đó "xuống tiền" chọn mua gì đó đến từ các thương hiệu thuộc quốc gia này. Nếu đi ngược với công thức đó, việc bán hàng sẽ gặp khó khăn. Khoan bàn tới chất lượng, giá bán dễ tiếp cận chắc chắn là yếu tố mà bản thân những công ty Trung Quốc cũng muốn nhấn mạnh khi họ phát triển và bán một sản phẩm ra thị trường. Điều này đúng với các hãng xe hơi Trung Quốc, tại thị trường nội địa cũng như một số thị trường khác.

Tuy nhiên, việc những công ty này có giữ vững được "phong độ" đó tại Việt Nam hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn. Nếu được đưa về Việt Nam thông qua cách "truyền thống" là nhập khẩu, e rằng giá bán khó có thể tối ưu do chịu nhiều khoản thuế và phí. Gần đây, BYD được cho là có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ngay tại Việt Nam. Ngoài ra, hãng cũng đưa ra đề xuất để chính phủ có thể cân nhắc đến các chính sách ưu đãi dành cho xe điện.

Wuling Hongguang Mini EV liên tục giảm giá do doanh số ảm đạm và sức ép ngày càng lớn đến từ VinFast. 

Nếu tối ưu được giá bán thông qua một trong số các giải pháp mà BYD đang theo đuổi, những thương hiệu xe Trung Quốc mới mong chiếm được tín hiệu đón nhận của người tiêu dùng trong nước. Lấy ví dụ về "bài học" của Wuling với Hongguang Mini EV. Mặc dù có doanh số hàng trăm nghìn chiếc mỗi năm ở quê nhà, thế nhưng khi về đến Việt Nam, Hongguang Mini lại bị "ghẻ lạnh" khi chỉ bán được không quá 600 chiếc trong năm 2023.

Điều này tương đối dễ hiểu, bởi trong khi được bán với giá nếu quy đổi chỉ hơn 100 triệu ở Trung Quốc, nhưng tại Việt Nam, giá khởi điểm của xe lên tới 239 triệu, nghĩa là gần gấp đôi. Chưa kể, phiên bản cao nhất của Hongguang Mini EV được bán tại Việt Nam với giá lên tới 279 triệu. Nếu hoàn tất các thủ tục để ra biển số, chi phí cuối cùng để trả cho một chiếc xe điện mini đến từ Trung Quốc hơn 300 triệu.

Với giá bán như vậy, nhiều người chắc sẽ "quay xe" về với lựa chọn xe xăng hạng A, thương hiệu quen thuộc, dịch vụ sau bán hàng đã được kiểm chứng trong nhiều năm qua và tất nhiên là đa dụng hơn rất nhiều.

Phải giải quyết được bài toán cơ sở hạ tầng

Xe điện nếu muốn thành công đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng phát triển song song, mà cụ thể ở đây chính là mạng lưới trạm sạc, thậm chí là trạm sạc siêu nhanh. VinFast là hãng đang làm rất tốt điều này nhờ tiềm lực lớn. Hiện nay, trạm sạc của VinFast "phủ sóng" khắp nơi, đa dạng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người dùng xe điện của hãng.

Bất kỳ hãng xe điện nào muốn thành công gần như đều phải đi theo con đường này. Đó có thể là bài toán khó đối với các thương hiệu chỉ muốn góp mặt để thăm dò thị trường. Còn với các thương hiệu thật sự nghiêm túc xem Việt Nam là thị trường tiềm năng, xây dựng trạm sạc là yếu tố tiên quyết phải thực hiện. Không giống như xe xăng/dầu với thời gian nạp nhiên liệu cực kỳ nhanh, xe điện cần ít nhất vài chục phút để sạc tương đối đầy một bộ pin để di chuyển vài trăm cây số.

Bởi vậy, việc chỉ có thể sạc ở nhà với công suất chậm chắc chắn là rào cản lớn mang đến sự bất tiện cho người dùng. Bất tiện cho đến nay vẫn là yếu tố mà người ta nhắc đến đầu tiên khi nghĩ về việc mua một chiếc xe điện để sử dụng hàng ngày hoặc thỉnh thoảng đi chơi xa cùng gia đình. Mặc dù thay đổi hành vi sử dụng bởi người dùng xe điện phải tính toán lộ trình chạy - dừng sạc hợp lý, thế nhưng đa phần đều chấp nhận bởi sự thoải mái và chi phí sử dụng thấp mà xe điện mang lại.

Ngoài trạm sạc, các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và dịch vụ kỹ thuật, sau bán hàng cũng là yếu tố mà người dùng quan tâm. Nếu các dịch vụ này không được đáp ứng tốt, mức độ hấp dẫn của xe điện Trung Quốc sẽ giảm đi bất kể giá xe có như thế nào chăng nữa.

Sự hoài nghi về chất lượng

Hàng chục nghìn xe BYD phải nằm chờ ở cảng vì chưa đảm bảo chất lượng để thông quan. 

"Ngon - Bổ - Rẻ" là 3 thứ mà người dùng luôn đòi hỏi khi phải tốn tiền để mua gì đó. Nhưng nguyên lý đầu tiên của kinh tế học cũng đã chỉ rõ: "Con người đối mặt với sự đánh đổi" và "Chi phí cơ hội của một thứ là cái mà bạn từ bỏ để có được nó". Nói cách khác, không có mặt hàng nào đáp ứng cùng lúc cả 3 tiêu chí nói trên, mà chúng phải được phân bổ đều cho nhau. Nếu có giá rẻ, thì chất lượng của sản phẩm sẽ ở mức tương xứng. Điều mà người tiêu dùng cần có lẽ là một chiếc xe giá rẻ nhưng chất lượng không quá tệ, vậy là đủ.

Mặc dù được xem như công xưởng của thế giới khi là nơi gia công sản phẩm cho nhiều thương hiệu lớn, thế nhưng sản phẩm đến từ Trung Quốc luôn đặt ra vấn đề về chất lượng đối với người Việt. Có không ít các sản phẩm chất lượng kém từ Trung Quốc được bày bán ở Việt Nam trong nhiều ngành hàng khác nhau. Điều đó dẫn tới phản xạ của khách hàng Việt đối với sản phẩm Trung Quốc là sự e dè và hoài nghi.

Chất lượng xe điện Trung Quốc có lẽ là điều mà chỉ có thời gian mới có thể kiểm chứng được. Liên quan đến vấn đề này, BYD gần đây cũng vấp phải một vài sự cố khi lượng xe chờ nhập cảnh ở các cảng quốc tế ngày càng gia tăng. Lý do bởi vì những hỏng hóc phát sinh trong quá trình vận chuyển khiến cho chất lượng của xe không đạt để có thể được nhập khẩu vào các thị trường châu u. Chưa rõ hướng giải quyết của hãng sẽ như thế nào nhưng thông tin này rõ ràng tạo nên những lo ngại nhất định.

Sức ép đến từ thương hiệu nội địa

Tại thị trường trong nước, VinFast sau gần 2 năm chỉ kinh doanh xe thuần điện cũng đạt được nhiều thành tựu và bước tiến đáng ghi nhận. Hiện nay, dải sản phẩm SUV điện VF của hãng trải dài nhiều phân khúc khác nhau, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng. Chuỗi sản phẩm đa dạng, cơ sở hạ tầng sẵn sàng và chính sách thuê pin giúp cho giá xe dễ tiếp cận là một trong những lợi thế cực kỳ lớn mà VinFast đang có. Những lợi thế này, cần thời gian và nguồn vốn lớn mới có thể xây dựng được.

Xe điện Trung Quốc muốn thành công đòi hỏi phải tìm được ưu thế riêng, có thể về chất lượng sản phẩm, các tính năng đặc biệt,...hay chính sách giá tốt, thì mới có cơ hội chia nhỏ miếng bánh mà VinFast đang gần như chiếm trọn ở thời điểm hiện tại.

Tác động tích cực đến thị trường

Xe điện Hyundai Ioniq 5 có giá bán hơn 1,3 tỷ đồng tại Việt Nam. 

Một thị trường cạnh tranh lành mạnh là thị trường ở đó phải có nhiều đối thủ, không độc quyền. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài VinFast thì cũng chỉ có một vài hãng xe khác có kinh doanh xe điện, chủ yếu là hướng đến phân khúc cao cấp, sang trọng. Nếu muốn mua xe điện với giá "dễ thở" gần như chỉ có thể lựa chọn xe của VinFast. Việc các thương hiệu Trung Quốc góp mặt tại sân chơi trong nước sẽ giúp đa dạng hóa lựa chọn của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy cạnh tranh giữa các hãng.

Sau cùng, việc xe điện Trung Quốc chỉ là trào lưu nhất thời trong bối cảnh xe điện đang là "trend" hay tạo được cú hích cho thị trường xe điện ở Việt Nam, phụ thuộc vào thái độ nghiêm túc của các nhà sản xuất Trung Quốc và chính sách bán hàng hợp lý, cũng như chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.