Tháng 3 vừa qua, BYD gây chú ý khi giới thiệu định nghĩa sạc siêu nhanh megawatt (MW), tức công suất sạc pin cho xe điện vượt mức 1.000 kW, hay 1 MW. Trước đó, Zeekr cũng đã triển khai trạm sạc 1,2 MW cho xe khách chạy điện. Còn ngày 22/4 sắp tới, Huawei lên kế hoạch trình làng công nghệ tương tự với thông số lên đến 1,5 MW nhằm vượt mặt đối thủ đồng hương.
Đây được xem là chìa khóa để các hãng xe điện Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu mảng ô tô năng lượng mới nhờ thời gian sạc pin được rút ngắn tối đa. Như BYD công bố, dòng Han L và Tang L mới có thể đi được 400 km sau 5 phút cắm sạc với chuẩn kết nối Megawatt Flash Charger. Tuy vậy, khoảng cách giữa các con số lý thuyết đến trải nghiệm thực tế của người dùng sẽ còn rất xa vời.
Khó phổ cập rộng rãi
Theo Carnewschina, nhiều chủ xe điện ở quốc gia tỷ dân phàn nàn rằng ngay cả những phương tiện được quảng cáo là có khả năng sạc 80% trong 15 phút thường cũng cần gần 30 phút hoặc lâu hơn trong các tình huống thực tế. Có nhiều lý do khiến sạc nhanh nói chung và sạc siêu nhanh nói riêng khó đạt được hiệu suất lý tưởng như công bố.
Đầu tiên, công suất đầu ra của trạm sạc bị hạn chế bởi nhiều yếu tố, bao gồm điện áp, dòng điện và khả năng vốn có của bộ sạc. Ví dụ, về mặt lý thuyết, bộ sạc megawatt của BYD có thể đạt tới công suất đỉnh 1.360 kW và để đạt được điều này cần dòng điện 1.000V - 1.000A ổn định. Nhưng đây lại là điều kiện khó duy trì nhất quán trong thực tế. Tốc độ sạc cũng bị ảnh hưởng bởi nền tảng pin của xe, mức tăng điện áp trong quá trình sạc và giai đoạn sạc nhồi cuối cùng.
.jpg)
Ngoài những hạn chế về công suất, chi phí cho cơ sở hạ tầng sạc siêu nhanh cũng là một rào cản đáng kể khác. Để đạt được mức công suất trên 500 kW, thông thường cần phải sử dụng cáp và hệ thống sạc làm mát bằng chất lỏng. Những bộ sạc làm mát bằng chất lỏng này có thể có giá thành 80.000 - 120.000 NDT, tương đương 11.200 - 16.800 USD, cao hơn gấp 3-5 lần so với trạm sạc làm mát bằng không khí thông thường.
Ngoài ra, hệ thống làm mát bằng chất lỏng đòi hỏi phải thay thế chất làm mát định kỳ, làm tăng chi phí vận hành. Do đó, chi phí triển khai cao chắc chắn sẽ hạn chế khả năng được lắp đặt rộng rãi của loại trạm sạc siêu nhanh 1 MW.
Đến chính BYD cũng không muốn chủ động đầu tư xây dựng các trạm sạc siêu nhanh MW. Cụ thể, hãng xe Trung Quốc đã công bố ý định chia sẻ công nghệ với các đối tác trong ngành, đồng thời tìm cách hợp tác với vốn xã hội để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc ở cấp độ megawatt.
Tính ứng dụng thấp
Một thông tin đáng chú ý là đại diện BYD thừa nhận rằng việc sạc siêu nhanh có thể gây căng thẳng cho lưới điện. Cách tiếp cận của họ bao gồm tích hợp các hệ thống lưu trữ năng lượng (bộ pin trong trạm sạc) và phân phối điện thông minh để giảm thiểu những tác động này.
Do đó, về cơ bản giải pháp sạc megawatt do BYD phát triển về cơ bản là lưu trữ trước điện có sẵn. Các trạm sạc nhanh của hãng sẽ có hệ thống lưu trữ năng lượng 1,5 MWh để sử dụng điện ngoài giờ cao điểm. Hơn nữa, nền tảng đám mây của BYD sẽ theo dõi tải lưới điện theo thời gian thực và điều chỉnh công suất sạc một cách linh hoạt để ngăn ngừa tình trạng quá tải lưới điện cục bộ.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào lưu trữ năng lượng này lại gây ra một hạn chế khác, đó là khi năng lượng được lưu trữ cạn kiệt, các phương tiện đến sau sẽ không thể hưởng lợi từ tốc độ sạc cực nhanh được nhà sản xuất quảng bá trên lý thuyết.
.jpg)
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sạc siêu nhanh chỉ thực sự cần thiết trong những tình huống cụ thể, chẳng hạn như đi xa tren đường cao tốc hoặc tại các trạm xăng truyền thống, nơi tài xế nhạy cảm hơn về thời gian. Tốc độ sạc cực nhanh lại ít quan trọng ở các địa điểm sạc phổ biến như trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim hoặc nhà hàng, nơi xe điện thường đỗ trong thời gian dài.
Từ đó, những trụ sạc siêu nhanh Megawatt Flash Charger của BYD trước mắt chủ yếu sẽ đóng vai trò làm hình ảnh là chính thay vì thực sự trở nên hữu dụng đối với người dùng xe điện Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung.