Vì sao phải tái cấu trúc phân hạng giấy phép lái xe?

Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024 và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 trong đó phân hạng bằng lái xe được đổi mới theo chiều hướng tinh gọn và chi tiết hơn.

iPhone on MacBook Keyboard

Ngày một nhiều loại phương tiện mới được đưa vào lưu thông bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông đã có sự chuyển biến đòi hỏi cần có các quy định, chế tài mới trong khâu quản lý, giám sát. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót của bộ Luật Giao thông đường bộ 2008.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính là thay đổi phân hạng giấy phép lái xe (GPLX). Đây được xem là sự đổi mới có tác động sâu sắc đến đời sống người dân bởi đa số bằng lái xe được cấp theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 trong khi với bộ luật mới đã lược bỏ hoặc nhóm gộp.

Lược bỏ một số hạng giấy phép lái xe

Theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, GPLX dành cho người điều khiển xe mô tô hai bánh được rút lại thành 2 hạng gồm A1 và A đồng thời thay đổi mốc phân chia từ 175 cm3 xuống 125 cm3 (hoặc công suất động cơ điện 11 kW).

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, hạng B1 cấp cho người điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg thì nay theo Luật mới, hạng B1 được cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1. Trong khi hạng B có sự tương đồng với bằng B2 trước đây nhưng thay đổi ở giới hạn ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe).

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã tái cấu trúc, bổ sung các phân hạng giấy phép lái xe còn thiếu sót ở bộ luật cũ.

Hạng C1 trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ thay thế cho hạng C trong Luật Giao thông đường bộ 2008, nhưng giới hạn cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 7.500 kg.

Còn hạng C theo luật mới được cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.

So với trước đây, bằng lái xe hạng D được chia thành 3 hạng gồm D1, D2 và D tương ứng với phương tiện có số chỗ ngồi (không kể chỗ của người lái xe). Theo đó, người điều khiển phương tiện có từ 8 - 16 chỗ được cấp bằng D1, từ 16 - 29 chỗ sử dụng bằng D2 và trên 29 chỗ cấp bằng lái xe hạng D.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã bỏ hạng E và thay thế bằng các hạng B, C, D thêm hậu tố E (BE, C1E, D2E,...). Các giấy phép lái xe có hậu tố E chủ yếu quy định về mức khối lượng toàn bộ theo thiết kế của ô tô có kéo rơ moóc trong nhóm hạng B, C và D.

Ngoài quy định cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô như trước đây, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng bổ sung trường hợp người khuyết tật điều khiển xe ô tô số tự động có kết cấu phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B.

Chuẩn hoá theo Công ước quốc tế

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới do đó quy định, tiêu chuẩn cũng thay đổi để phù hợp với các hoạt động giao lưu thương mại, học tập… Tạo tiền đề để người dân Việt Nam và nước ngoài thuận lợi trong việc sử dụng GPLX tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.

Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, các hạng GPLX trong luật mới vừa được Quốc hội thông qua về nội hàm vẫn như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ thay đổi tên gọi để phù hợp với Công ước Viên năm 1968 mà Việt Nam đã tham gia kí kết.

Việc "quy hoạch" lại giấy phép lái xe tiến tới tạo sự thuận lợi cho người dân trong nước lẫn nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam.

Sự thay đổi này nhằm bảo đảm tính tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ. Đồng thời những điều chỉnh trong phân hạng GPLX tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ quốc tế và tăng cường an toàn giao thông đường bộ thông qua các quy tắc giao thông tiêu chuẩn giữa các bên tham gia công ước.

Phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Hiện nay, nhiều chủng loại phương tiện mới được cấp phép tham gia giao thông tuy nhiên các quy định về người điều khiển lại chưa được tương đồng, tạo khó khăn và bối rối trong công tác quản lí. Các loại xe điện, xe máy điện có công suất gần như tương đương với xe mô tô dung tích xy-lanh đến 125 cm3 được đa số trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi điều khiển nhưng chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Hiện nay, chưa có quy định đối với người điều khiển xe máy điện có công suất tương đồng với xe mô tô gắn động cơ.

Ngoài ra, các quy định và chính sách mới trong các lĩnh vực liên quan đã được triển khai như mở rộng độ tuổi cấp căn cước công dân, thay đổi quy chuẩn đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ,... đòi hỏi cấp thiết phải có bộ luật giao thông đường bộ mới để tạo sự đồng bộ và tính thống nhất.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.