Trước thời điểm dự kiến bắt đầu giao xe vào tháng 3/2024, Mitsubishi Việt Nam đã tổ chức lái thử mẫu xe Xforce tại khu du lịch Đại Nam. Mỗi cung đường và bài thử nghiệm được ban tổ chức bố trí chủ yếu dựa trên các chế độ lái của Mitsubishi Xforce cùng các công nghệ hỗ trợ vận hành của xe.
Phiên bản chúng tôi có cơ hội trải nghiệm là Premium hiện có mức giá bán mới ở mức 680 triệu đồng. Thời điểm này, Premium được xem là phiên bản cao cấp nhất đồng thời cũng là bản "chiến lược" của Mitsubishi Xforce khi tổng hòa trang bị, tính năng và giá bán dễ tiếp cận với đối tượng khách hàng mà hãng xe Nhật hướng đến.
Vận hành ổn định
Mitsubishi Xforce bước vào thử thách đầu tiên với bài đánh lái liên lục (Slalom). Ở chế độ Normal và tốc độ 40 km/h, mẫu SUV/crossover cỡ B này thể hiện sự linh hoạt, thân xe ổn định cùng độ nặng của vô-lăng ở mức vừa phải giúp cho việc đánh lái khá chính xác và tự tin. Ngoài ra, trải nghiệm ngồi ở cả hai hàng ghế cũng đem lại cảm giác an tâm và thoải mái trong điều kiện xe phải đánh lái liên tục.

Điểm nhấn trong bài thử đầu tiên chính là lái xe vòng quanh theo hình tròn, đây là khu vực liên tục được làm ướt để người lái có thể cảm nhận sự khác biệt giữa chế độ Bình thường (Normal) và Trơn trượt (Wet). Đồng thời, bài thử này cũng tạo điều kiện để so sánh mức độ can thiệp của hệ thống kiểm soát vào cua chủ động (AYC) trên 2 chế độ lái.

Trong 2 vòng đầu tiên ở chế độ Bình thường (Normal), chiếc xe có cảm giác bị trượt và mất độ bám nhẹ khi ở tốc độ 43-45 km/h mặc dù hệ thống kiểm vào cua chủ động AYC đã hoạt động. Sự khác biệt rõ rệt ngay khi bật chế độ Trơn trượt (Wet), AYC can thiệp sâu hơn vào hệ thống lái giúp Xforce giảm thiểu tình trạng mất độ bám bằng việc phanh ở những vị trí bị trượt.
Thêm vào đó, độ nhạy chân ga giảm xuống, tay lái siết chặt hơn và kiểm soát lực kéo cũng phân bổ mô men xoắn tốt hơn giúp chiếc xe vào cua ổn định và an toàn.
Động cơ đủ dùng
Mitsubishi Xforce sử dụng động cơ 4 xi-lanh 1.5L MIVEC tương tự như đàn anh Xpander. Với công suất 103 mã lực và mô-men xoắn 141 Nm, động cơ này tỏ ra làm việc khá hiệu quả và nhẹ nhàng khi chỉ đặt trên xe có trọng lượng khoảng 1,3 tấn cùng kích thước thân xe nhỏ gọn. Kể cả khi có đủ 5 người ngồi trên xe, Mitsubishi Xforce vẫn dễ dàng và nhanh nhẹn vượt qua bài thử tăng tốc.

Khác với Xpander sử dụng hộp số tự động 4 cấp, Xforce được trang bị hộp số CVT giúp cho mẫu SUV/crossover cỡ B đô thị này vận hành mượt mà, trơn tru ở dải tốc độ thấp. Nhưng khi bước qua dải tốc độ 50 km/h, hộp số CVT tạo cảm giác lên số và phản hồi động cơ như hộp số có cấp. Nhìn chung, sức mạnh động cơ trên Mitsubishi Xforce ở mức đủ dùng, đáp ứng nhu cầu cơ bản khi di chuyển trong nhiều điều kiện di chuyển khác nhau.

Khi đi qua các bài thử đường đất, sỏi đá và gồ ghề, động cơ trên mẫu xe đô thị off-road của Mitsubishi vẫn cho thấy sự lì lợm, khoẻ mạnh của mình. Vòng tua máy luôn giữ trên mức 2000 vòng/phút giúp Mitsubishi Xforce luôn sẵn sàng "bung" mô-men xoắn để thoát khỏi mặt đường xấu, mấp mô và gập ghềnh.
Đáng chú ý, trong tình huống dừng giữa mô đất có độ nghiêng 11 độ nhưng Mitsubishi Xforce vẫn leo qua con dốc một cách ngọt ngào mà không hề cảm nhận thấy sự gắng gượng, gồng mình của động cơ.
Trang bị vừa phải
Mitsubishi Xforce được trang bị 4 chế độ lái gồm: Bình thường, trơn trượt, sỏi đá và bùn lầy với sự khác biệt rõ rệt có thể cảm nhận qua độ siết của vô-lăng, độ nhạy chân ga hay hệ thống kiểm soát lực kéo.
Ngoài ra, một tính năng khác liên quan đến khả năng vận hành của hộp số vô cấp CVT trên Mitsubishi Xforce ít người dùng để ý là Driving Sport (DS) được gắn ở cần số. Ở chế độ Bình thường (Normal), động cơ của Xforce cho cảm giác phản hồi không quá nhanh nhạy. Vấn đề được giải quyết sau khi nút DS được kích hoạt, Xforce trở nên mạnh mẽ và "mượt" tay hơn hẳn.

Vốn là một trong những thị trường trọng điểm mà hãng xe Nhật muốn khai thác, Xforce tại Việt Nam được trang bị gói an toàn chủ động thông minh MMSS bao gồm cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi xe; cảnh báo điểm mù, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng...
Từ đó, mẫu xe của Mitsubishi được gia tăng tính cạnh tranh với loạt đối thủ trong cùng phân khúc SUV/crossover cỡ B đô thị như Hyundai Creta, Kia Seltos và cả Toyota Yaris Cross ra mắt cách đây chưa lâu.

Ngoài ra, Xforce còn có thế mạnh về khoảng sáng gầm cao nhất phân khúc, lên tới 222 mm, góc tới 21 độ cùng góc thoát 30,5 độ mang lại khả năng trèo đèo lội suối, đa dụng và phù hợp với điều kiện đường sá tại Việt Nam. Chưa hết, màn hình cảm ứng trung tâm 12,3 inches cho phép hiển thị góc nghiêng, góc đánh lái, lực phanh... không hề thua kém những mẫu xe off-road chuyên nghiệp.
Không gian tối ưu
Nhìn chung, không gian nội thất của Mitsubishi Xforce mang lại cảm giác thân thiện, dễ chịu và tương đối rộng rãi. Không gian để chân hay khoảng trống đầu ở hàng ghế ghế sau của XForce cũng dư giả và thoải mái ngay cả khi ngồi đủ 5 hành khách.
Hơn nữa, hàng ghế thứ 2 có thể điều chỉnh độ ngả lưng ghế giúp người ngồi phía sau "hưởng thụ" hơn trên những hành trình dài. Một vài điểm hạn chế ở khoang nội thất như ghế lái chỉnh cơ, điểm mù cột A khá lớn mặc dù gương chiếu hậu đã được dời xuống cánh cửa.

Nhiều khách hàng băn khoăn về tính thực dụng, thẩm mỹ hay độ bền khi ở phần táp lô sử dụng vật liệu vải melange. Qua quá trình trải nghiệm thực tế, kiểm tra bằng cách thử đổ cafe và lau bằng khăn ướt, kết quả cho thấy chất liệu vải dễ dàng vệ sinh và không lưu màu đồng thời chống bám bụi bẩn rất tốt. Một ưu điểm khác trên mẫu Xforce chính là rất nhiều hộc để đồ nhỏ, giúp tối ưu không gian, tiện dụng trong quá trình sử dụng thực tế.
Nhưng vẫn chưa hoàn hảo
Theo Mitsubishi, ngoài việc gia cường thêm các mối ghép cấu trúc và chi tiết chịu lực, hãng cũng đã phủ thêm các lớp cách âm chống ồn quanh thân xe. Thực tế trải nghiệm cho thấy, khả năng cách âm môi trường, cách âm khoang động cơ khá tốt.
Tuy nhiên điểm yếu lộ rõ trên mẫu xe tưởng chừng như hoàn hảo này chính là tiếng gió ở khe gương chiếu hậu và tiếng lốp vọng lên khoang cabin. Khi vận hành ở tốc 40-50 km/h trên mặt đường nhựa phẳng, tiếng lốp vọng lên khá lớn gây ra ít nhiều cảm giác khó chịu và ù tai.

Hệ thống treo trên Xforce cũng là một trong những điểm đáng tiếc khi chưa thực sự linh hoạt và uyển chuyển để đáp ứng nhiều điều kiện di chuyển khác nhau. Dẫu hệ thống treo cứng vững sẽ giúp xe ổn định, đầm chắc khi di chuyển tốc độ cao tuy nhiên sẽ đem lại cảm giác khó chịu, xóc nảy khi di chuyển trong phố hay chạy qua các gờ giảm tốc.
Kết luận
Tổng thể, Mitsubishi Xforce mang đến trải nghiệm thoải mái và an tâm. Từ động cơ, hộp số đến các trang bị tính năng vận hành hỗ trợ người lái, mẫu SUV/crossover cỡ B này tạo cảm giác an tâm, bền bỉ và an toàn để trở thành người bạn đồng hành trên nhiều điều kiện địa hình khác nhau. Bên trong khoang cabin, tối ưu không gian, tính thực dụng và sự thoải mái được đề cao trên Xforce song song với sự hiện đại và trẻ trung.

Hệ thống treo hay khả năng cách âm chưa thực sự như mong đợi tuy nhiên vẫn ở mức chấp nhận được. Với mức giá khởi điểm từ 599 triệu đồng, Mitsubishi Xforce sẽ là đối thủ nặng ký và thực sự là lựa chọn đáng cân nhắc khi mẫu Suv/crossover cỡ B đô thị này gần chạm đến điểm trung hoà giữa giá thành và giá trị sử dụng.