Vừa qua, Latin NCAP (Chương trình Đánh giá xe mới Mỹ Latinh và Caribe) đã tiến hành thử nghiệm va chạm trên mẫu Toyota Raize và kết quả không khả quan. Chiếc SUV hạng A đã nhận được kết quả 1 sao đáng thất vọng trong các bài kiểm tra an toàn.
Mặc dù đã là năm 2024, mẫu xe gầm cao đô thị của Toyota chỉ được trang bị tiêu chuẩn 2 túi khí phía trước. Raize không đạt kết quả tốt trong đánh giá của NCAP Mỹ Latinh, nhưng tình trạng này không chỉ đơn thuần là do thiếu túi khí bổ sung, vốn thường được coi là tiêu chuẩn.
Theo các chuyên gia từ Chương trình đánh giá xe mới Mỹ Latinh và Caribe, Raize cho thấy sự bất ổn về cấu trúc trong một vụ va chạm trực diện. Ngoài ra, nó chỉ cung cấp sự bảo vệ hạn chế cho phần ngực của người lái xe. Thử nghiệm va chạm trực diện được tiến hành ở tốc độ 64 km/h. Trong thử nghiệm va chạm bên hông ở tốc độ 49 km/h, chiếc crossover cỡ nhỏ của Toyota cho thấy sự xâm nhập đáng kể vào khoang hành khách, do đó làm tăng nguy cơ thương tích.
Chiếc xe nhận được điểm 0 trong bài kiểm tra va chạm cột bên vì thiếu khả năng bảo vệ vùng đầu từ vị trí bên hông. Latin NCAP nhấn mạnh rằng, mặc dù Raize được trang bị các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến, nhưng các tính năng này không có sẵn trong khu vực Latin NCAP, thậm chí không phải là tùy chọn.
Raize vốn là cái tên bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ "rise" và "raise", một cách thay tên đổi họ cho Daihatsu Rocky của Toyota, một mẫu xe crossover cỡ nhỏ đã có mặt trên thị trường từ cuối năm 2019. Ngoài ra, Toyota Raize cũng chia sẻ chung nền tảng với Subaru Rex và Perodua Ativa đang bán tại một vài thị trường khác.
Tại Indonesia, Raize GR Sport được trang bị gói Toyota Safety Sense, bao gồm cảnh báo chệch làn đường, ngăn ngừa chệch làn đường, cảnh báo trước va chạm, phanh trước va chạm, kiểm soát hành trình thích ứng và cảnh báo chệch hướng phía trước. Phiên bản cao cấp nhất cũng có 6 túi khí, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, hỗ trợ khởi hành ngang dốc và một thứ gọi là kiểm soát sai bàn đạp.
Tại Việt Nam, Toyota Raize bán ra theo diện nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Đối thủ của Hyundai Venue và Kia Sonet cũng có 6 túi khí, cảm biến trước/sau, camera lùi, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau.
Tuy nhiên, Latin NCAP đã thử nghiệm cấu hình thấp nhất, vì vậy chiếc Raize nhận được điểm thấp. Chiếc crossover này chỉ đạt được 41% về khả năng bảo vệ người lớn, 72% về khả năng bảo vệ trẻ em, 59% về khả năng bảo vệ người đi bộ và người đi đường dễ bị tổn thương và 58% về khả năng hỗ trợ an toàn.
Stephan Brodziak, Chủ tịch Latin NCAP, bày tỏ sự thất vọng khi Toyota tiếp tục cung cấp những chiếc xe an toàn thấp, như Raize, tại một số thị trường khu vực. Ông nhấn mạnh rằng thương hiệu này có khả năng cải thiện độ an toàn của xe và thúc giục công ty xem xét lại chiến lược trang bị an toàn và tiến hành đánh giá an toàn cho các mẫu xe của mình, đảm bảo người tiêu dùng được thông báo về hiệu suất an toàn thực tế của chúng.
Alejandro Furas, tổng thư ký của Latin NCAP, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Toyota sửa đổi cách tiếp cận của mình để nâng cao các tính năng an toàn cơ bản trong xe và tham gia thử nghiệm Latin NCAP để chứng minh xếp hạng an toàn của họ cho người tiêu dùng. Ông nhấn mạnh những lo ngại đang diễn ra trên toàn cầu liên quan đến chứng nhận an toàn cho một số mẫu xe Toyota, nhắc lại sự cần thiết của một hệ thống dán nhãn an toàn xe tiêu chuẩn kết hợp xếp hạng sao Latin NCAP.
Toyota Raize chỉ là một trong số nhiều xe mới có kết quả đáng thất vọng trong các bài kiểm tra va chạm gần đây. Cuối năm ngoái, chương trình đánh giá xe mới của Úc và châu Á (ANCAP) đã đưa ra xếp hạng không sao cho MG5 và Mahindra Scorpio. Vào giữa năm 2023, Citroen C3 cũng "kiếm được" xếp hạng không sao từ Latin NCAP. Vào cuối năm 2022, JAC E10x của Trung Quốc đã nhận được xếp hạng không sao từ Latin NCAP.