Tiếp nối vụ gian lận thử nghiệm an toàn của Daihatsu và tập đoàn Toyota vừa tạm khép lại cách đây chưa lâu, đầu tháng 6/2024, ngành công nghiệp ô tô xe máy Nhật Bản tiếp tục đối mặt với bê bối lớn về chất lượng và quản lý vận hành.
Từ yêu cầu điều tra nội bộ những bất thường liên quan đến khâu đăng ký chứng nhận sản phẩm của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) đối với 85 công ty trong ngành bắt đầu từ tháng 1 năm nay, hiện đã có 4 hãng ô tô và một thương hiệu xe máy đã thừa nhận những bất thường trong các cuộc kiểm tra an toàn.
Danh sách bao gồm những cái tên quen mặt với người tiêu dùng toàn cầu là Toyota, Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha. Đáng chú ý, Toyota, Mazda và Yamaha đã thông báo ngừng giao hàng tổng cộng 6 mẫu xe đang bán tại thị trường nội địa theo yêu cầu từ MLIT. Bên cạnh đó, 3 nhà sản xuất này cùng Honda và Suzuki cũng có nhiều mẫu xe khác đã ngừng sản xuất dính líu đến sai phạm về quy trình kiểm tra an toàn và chứng nhận sản phẩm.
Từ đầu tuần này, Toyota Nhật Bản đã ngừng bán 3 mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross tại thị trường trong nước vì không có đầy đủ dữ liệu trong các bài kiểm tra khả năng bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe. Những mẫu ô tô khác của Toyota đã ngừng sản xuất là Crown, Isis, Sienta và Lexus RX được xác nhận có lỗi trong các thử nghiệm va chạm và các phương pháp thử nghiệm khác.
Đối với Mazda, hãng này tạm dừng phân phối Roadster RF và Mazda2 hatchback tại quê nhà khi phát hiện kết quả kiểm tra phần mềm điều khiển động cơ bị can thiệp sửa đổi. Ngoài ra, Atenza và Axela bản nội địa (tên quốc tế là Mazda6 và Mazda3) từng bị gian lận thử nghiệm túi khí khi va chạm trước khi ngừng bán.
Yamaha Motor có 3 sản phẩm được phát hiện có điểm bất thường, một mẫu vẫn đang được sản xuất và vừa phải tạm dừng phân phối. Số lượng dòng xe liên quan trong vụ bê bối này của Honda là 22 và Suzuki là một, tuy nhiên tất cả đều đã ngừng bán và được phía nhà sản xuất xác nhận với người dùng rằng xe đủ điều kiện an toàn để tiếp tục lưu hành.
Được biết, cơ quan quản lý Nhật Bản bắt đầu thanh tra trực tiếp trụ sở chính của các nhà sản xuất này từ ngày 4/6/2024 với cái tên đầu tiên là Toyota Motor Corporation. Còn trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 3/6, Chủ tịch Toyota - ông Akio Toyoda cho biết: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng, những người đam mê ô tô và tất cả các bên liên quan”.