Cuối năm 2024, Nissan và Honda đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm xem xét khả năng sáp nhập. Tuy nhiên chỉ chưa đầy 2 tháng sau, cả hai chính thức tuyên bố chấm dứt đàm phán. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do Nissan không muốn trở thành công ty con của Honda.
Song song đó, có nguồn tin cho biết Nissan đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác mới, bao gồm các công ty công nghệ. Hãng ô tô lớn thứ 3 ở xứ sở Mặt trời mọc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn đến từ xu hướng phát triển của xe điện thông minh của các nhà sản xuất Trung Quốc mới nổi.
Mới đây, theo tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản), sau khi thương vụ với Honda thất bại, một lãnh đạo của Toyota đã chủ động liên hệ với Nissan để bàn về khả năng hợp tác. Trước thông tin trên, Nissan từ chối bình luận, trong khi Toyota cho biết vẫn đang xem xét nội dung báo cáo trước khi đưa ra phản hồi chính thức.
Trong 5 năm gần đây, Toyota là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Hiện hãng cũng đang nắm giữ cổ phần của nhiều hãng xe Nhật Bản như Subaru (20%), Mazda (5,1%), Suzuki (4,9%) và Isuzu (5,9%). Trong đó có 20% ở Subaru, 5,1% ở Mazda, 4,9% ở Suzuki và 5,9% ở Isuzu. Toyota cũng trực tiếp nắm giữ Daihatsu và 51% cổ phần thương hiệu xe tải Hino.
Nếu xảy ra thương vụ trao đổi cổ phần với Nissan, cấu trúc sở hữu chéo trong ngành ô tô Nhật sẽ càng thêm phức tạp. Cùng với đó, trong trường hợp Toyota mua lại một phần cổ phần của Nissan, đồng nghĩa họ sẽ "tiệm cận" hơn với Mitsubishi, tạo nên hệ sinh thái Toyota.

Khi Nissan và Honda công bố ký MOU, chủ tịch Toyota từng bày tỏ sự thất vọng vì văn bản không đề cập cụ thể đến sản phẩm, mà chỉ toàn những cụm từ như “tích hợp kinh doanh”, “hiệp lực”, hay “đưa Nhật Bản thành trung tâm di chuyển toàn cầu”. Ông Akio Toyoda cho rằng thỏa thuận hai bên gửi tới báo giới "quá nhiều từ ngữ sáo rỗng" mà không chịu tập trung vào những yếu tố quan trọng hơn như sự hỗ trợ của đôi bên.
Kể từ đó, Nissan đã nỗ lực khắc phục bằng cách công bố hàng loạt kế hoạch ra mắt sản phẩm mới trên phạm vi toàn cầu. Hãng cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác hiện tại như Renault và Mitsubishi, để rút ngắn thời gian ra mắt bằng các mẫu xe đổi tên (badge-engineering). Đồng thời, Nissan tăng cường mối quan hệ với Dongfeng (Trung Quốc), thể hiện qua các mẫu xe điện N7 sedan và bán tải hybrid sạc ngoài Frontier Pro.
Gần đây, kế hoạch "Re:Nissan" được triển khai, bao gồm các biện pháp cắt giảm mạnh tay như sa thải 20.000 lao động, đóng cửa 7 nhà máy, giảm chi phí R&D, tinh giản 70% linh kiện và dừng phát triển 6 nền tảng khung gầm xe cũ.
Về nguyên nhân khiến Nissan rơi vào tình cảnh hiện tại, CEO hãng cho biết mọi chuyện bắt đầu từ năm 2015. Thời điểm đó, Nissan đặt mục tiêu bán được 8 triệu xe mỗi năm, dẫn đến việc mở rộng sản xuất và tuyển dụng ồ ạt. Tuy nhiên, doanh số thực tế năm tài khóa 2024 (từ 1/4/2024 - 31/3/2025) chỉ đạt 3,3 triệu xe - chưa bằng một nửa mục tiêu.
Về thương vụ liên minh với Toyota, dù chưa được xác nhận chính thức nhưng giới phân tích nhận định, bất kỳ động thái nào từ Toyota đều có khả năng định hình lại cục diện ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.