Sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ, những hứa hẹn lớn lao và vô số sự cường điệu, việc chuyển đổi sang xe điện, đặc biệt là ở Mỹ, đã gặp phải một số sóng gió. Các công ty ô tô như Toyota, Ford và Volvo đang thu hẹp quy mô kế hoạch phát triển xe thuần điện (EV) của họ trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng không đạt mức kỳ vọng.
Trong một báo cáo mới được công bố gần đây, các nhà phân tích ngành ô tô của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự đoán sự sụt giảm nhu về xe điện toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài trong 12 đến 18 tháng tới, nhưng sẽ thấy đà hồi phục vào khoảng năm 2027.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là sự "chậm lại" này ám chỉ tốc độ tăng trưởng giảm hơn là sự sụt giảm tổng doanh thu. Trước nhiều tiêu đề tiêu cực, có thể dễ dàng bỏ qua thực tế là ngày càng có nhiều người mua xe điện. Theo Morgan Stanley, chúng ta đang hướng tới một năm kỷ lục nữa về doanh số bán xe điện. Các nhà phân tích của ngân hàng này đưa ra một số hiểu biết sâu sắc hấp dẫn về các yếu tố góp phần gây ra sự chậm lại và các giải pháp tiềm năng, có lẽ là sự hợp tác giữa Ford và Xpeng.
Nhóm phụ trách mảng ô tô của Morgan Stanley đã điều chỉnh dự báo của mình về doanh số EV, ước tính rằng từ năm 2024 đến năm 2026, doanh số bán xe điện sẽ tăng từ 14% lên 17% doanh số bán ô tô toàn cầu, thấp hơn 3% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, họ dự đoán doanh số bán xe điện sẽ tăng trở lại sau đó, dự đoán rằng đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm khoảng 32% thị trường toàn cầu, thấp hơn 8% so với ước tính trước đó.
Điều đó có nghĩa là doanh số bán xe điện sẽ tăng trong vài năm tới, nhưng không mạnh như trước và các nhà phân tích cho rằng có một số lý do đan xen giải thích tại sao điều đó sẽ xảy ra.
Theo ngân hàng Morgan Stanley, một phần đáng kể trong sự thiếu hụt về khối lượng xe điện (EV) dự kiến sẽ phát sinh từ các thị trường như Mỹ và châu Âu. Họ nhấn mạnh rằng khả năng chi trả của EV và thuế quan đối với các nhà sản xuất Trung Quốc là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc áp dụng EV ở các khu vực này. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng giá EV tại các thị trường này cao hơn khoảng 20-30% so với giá của các loại xe chạy xăng truyền thống và họ lưu ý rằng lãi suất cao hiện tại đang làm tăng thêm thách thức.
Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang trở nên thận trọng hơn với các khoản đầu tư của họ vào xe điện, vốn vẫn chưa chứng minh được tính khả thi về mặt tài chính. Nhiều công ty tham gia sản xuất xe điện đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển, cũng như vào các cơ sở sản xuất mới, nhưng vẫn chưa đạt được quy mô kinh tế cần thiết để có lợi nhuận. Do đó, họ đang tập trung nhiều hơn vào các loại xe động cơ đốt trong.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu về xe hybrid và xe hybrid cắm sạc (PHEV) tăng đáng kể đang góp phần vào động lực thị trường hiện tại. Những mẫu xe này thường là lựa chọn hợp túi tiền và tiện lợi hơn so với xe thuần điện (EV), điều này có khả năng tác động đến doanh số bán xe điện trong tương lai. Trước sự gia tăng gần đây về doanh số bán xe PHEV trong năm qua, Morgan Stanley đã điều chỉnh ước tính về mức thâm nhập thị trường xe PHEV toàn cầu lên 14% vào năm 2030, phản ánh mức tăng 3,5% so với dự báo trước đó.
Những người quan sát ngành công nghiệp này thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện cơ sở hạ tầng các trạm sạc, giảm chi phí xe và nhiều lựa chọn hơn về các mẫu xe EV hấp dẫn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Morgan Stanley lại đưa ra một góc nhìn khác, cho rằng thành công trong tương lai của thị trường EV phụ thuộc vào các mối quan hệ đối tác mới giữa các hãng xe điện và các nhà sản xuất ô tô truyền thống, đặc biệt là sự hợp tác giữa các nhà sản xuất Trung Quốc và phương Tây.
Nói cách khác, Ford nên cân nhắc hợp tác với Xpeng của Trung Quốc, trong khi General Motors có thể tìm hiểu về sự hợp tác với Lucid hoặc Li Auto.
Báo cáo cho rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà sản xuất phụ tùng truyền thống và các công ty xe điện, như đã thấy trong các mối quan hệ đối tác như Volkswagen-XPeng, Stellantis-Leap và Volkswagen-Rivian, có thể thúc đẩy sự quan tâm toàn cầu trong việc áp dụng EV.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống được hưởng lợi từ năng lực sản xuất dồi dào, chuỗi cung ứng toàn cầu tinh vi, thương hiệu mạnh và khả năng tiếp cận vốn, các nhà phân tích cho biết. Các nhà sản xuất ô tô điện có lợi thế hơn khi nói đến phần mềm, kỹ thuật điện (ngày càng quan trọng), công nghệ hỗ trợ người lái và đổi mới công nghệ rộng hơn. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu đang phải vật lộn để sản xuất ô tô điện giá cả phải chăng và có lợi nhuận. Các nhà sản xuất Trung Quốc, được hỗ trợ bởi nguồn trợ cấp dồi dào của chính phủ, được biết đến với chu kỳ phát triển nhanh, công nghệ tiên tiến và chi phí sản xuất thấp. Nhưng thuế quan đe dọa sẽ làm chệch hướng tiến vào các thị trường phương Tây rộng lớn của họ.
Các nhà phân tích cho rằng những diễn biến này mở ra cơ hội đầy hứa hẹn cho các liên doanh. Thật vậy, chúng ta đã chứng kiến điều này trong thực tế, khi tập đoàn Volkswagen gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Rivian để sử dụng phần mềm xe tiên tiến và kiến trúc điện của công ty khởi nghiệp này. Tuy nhiên, vẫn còn một mối quan ngại đáng kể: Liệu chính phủ Mỹ có cho phép các liên doanh giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ sản xuất xe điện tại xứ cờ hoa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra hay không? Cần lưu ý rằng Mỹ đang cân nhắc áp dụng mức thuế 100% đối với xe điện được sản xuất tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích từ Morgan Stanley cho rằng việc hợp tác với hệ sinh thái xe điện của Trung Quốc đã trở nên cần thiết để sản xuất xe điện giá cả phải chăng tại Mỹ, thay vì chỉ là một lựa chọn.