Thị trường ô tô thấp thỏm chờ chính sách lệ phí trước bạ xe lắp ráp

Việc Bộ Tài chính liên tục thay đổi đề xuất giảm lệ phí trước bạ khiến người tiêu dùng Việt "tiến thoái lưỡng nan" khi có ý định mua ô tô.

iPhone on MacBook Keyboard

Trước thời điểm tháng 7 Âm lịch hằng năm, thị trường ô tô Việt thường hối hả khi các hãng chạy đua doanh số bù khuyết kì bán hàng "u ám" sắp tới đồng thời đây cũng là giai đoạn nhiều khách hàng xuống tiền khi đã có ý định mua xe trước đó nhằm tránh tháng Ngâu theo quan niệm của người Việt.

Lợi dụng tâm lý đó, nhiều nhân viên bán hàng úp mở về chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ nhằm thu hút khách hàng "xuống cọc". Trong khi đó, Bộ Tài chính liên tục thay đổi đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước khiến cả thị trường từ người bán đến khách mua thấp thỏm đợi chờ khi đây có thể được xem là cú hích giữa năm giúp thị trường ô tô Việt ấm dần lên.

Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định dự thảo Nghị định thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương nhất trí với dự thảo Nghị định.

Khách hàng mua xe chia thành hai nhóm, số ít xuống cọc giữ suất trong khi nhóm còn lại quyết đợi thông báo chính thức.

Theo dự thảo, từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025 thực hiện mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ. Từ ngày 01/2/2025 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ.

Trong khi trước đó, tại công văn ngày 26/4/2024 và Tờ trình Chính phủ số 121/TTr-BTC ngày 31/5/2024, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chi tiết về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Sau khi đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD), Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án bao gồm cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.

Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án không giảm lệ phí trước bạ.

Cũng tại tờ trình mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể sẽ vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đồng quan điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cũng cho rằng việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Do đó Bộ Tài chính cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó khi bị khởi kiện.

Trước đó, tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho hay hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP và thực hiện xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách.

Đánh giá tác động của chính sách đối với người tiêu dùng, Bộ Tài chính cho biết, với sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng tăng cao... đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô.

Trước đó, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường ô tô Việt.

Trước thực tế tình hình tiêu thụ ô tô giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ khách mua. Việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, kích cầu tiêu dùng.

Cũng theo Bộ Tài chính, dự kiến, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).

Bộ Tài chính trước đó đã có 3 lần giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (gồm năm 2020, 2021 và 2023). Mỗi lần giảm lệ phí trước bạ với xe CKD từng kéo dài 6 tháng.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.