Từng có nhiều mẫu xe Trung Quốc gây ra tranh luận khi góp mặt tại Việt Nam, nhưng trường hợp của BYD Tang EV hiện nay có lẽ chưa có tiền lệ khi mẫu SUV điện này liên tiếp trở thành tâm điểm nhiều tháng qua với hàng loạt thông tin không tích cực trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Điều này khiến Tang đến nay vẫn chưa thể mở bán công khai, dù được BYD Việt Nam (BAV) kỳ vọng cùng với Han và M6 mở rộng danh mục sản phẩm xe điện vào giai đoạn cuối năm. Đi cùng với đó là nhiều khó khăn chờ đợi mẫu xe điện Trung Quốc khi phải cạnh tranh với Ford Everest và Hyundai Santa Fe trong thời gian tới.
Chưa rõ tên gọi chính thức
Kể từ khi có thông tin BYD sẽ đưa về nước Tang bản thuần điện, dòng xe gầm cao 7 chỗ này đã tạo dư luận trái chiều khi cái tên mang gợi nhớ đến loại phương tiện sử dụng cho mục đích đưa tiễn người đã khuất.
Nhiều ý kiến cho rằng sẽ không có khách hàng nào đủ can đảm chi tiền mua “xe Tang” để đi lại hàng ngày và gợi ý nhà sản xuất cân nhắc thay đổi cách gọi để .
Tuy vậy, hồi tháng 9, lãnh đạo của hãng xe Trung Quốc đã liên tiếp xác nhận trên báo giới rằng sẽ không đổi tên BYD Tang tại Việt Nam vì đây là cách gọi chung của thị trường quốc tế, đồng thời tránh kéo dài thời gian chờ đợi mở bán của vì các thủ tục không cần thiết.
Ngoài ra, trong các video chia sẻ thông tin về sản phẩm, vị đại diện này cũng thường xuyên phát âm tên xe là “tăng” nhằm định hình cách đọc khác, tránh đi ý nghĩa kém may mắn được gán ghép cho Tang.
Tuyên bố không đổi tên vừa kể cũng phần nào được củng cố khi ngày 7/11 vừa qua Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố mức tiêu thụ năng lượng cho mẫu SUV điện với tên đăng ký là BYD TANG.
Tuy nhiên, ở diễn biến mới nhất liên quan đến tên gọi của Tang, một số tư vấn bán hàng BYD cho biết xe sẽ được đổi tên khi bán ra trong thời gian tới. Nguồn tin riêng cũng cho biết phía BYD Việt Nam đang cân nhắc phương án sử dụng tên gọi khác cho Tang, bất chấp việc lãnh đạo hãng từng một mực khẳng định sẽ không làm việc này.
Đến nay, thông tin chính thức về BYD Tang vẫn chưa xuất hiện trên website của thương hiệu Trung Quốc, dù xe đã có mặt tại nhiều đại lý và khách đã có thể bắt đầu đặt hàng trước.
Định giá kém cạnh tranh
Ngoài tên gọi, giá bán cũng khiến BYD Tang được bàn luận khi con số được xác nhận bởi các đại lý là 1,569 tỷ đồng, cao hơn những dòng SUV 7 chỗ cùng hạng như Ford Everest (1,099 - 1,552 tỷ đồng), Hyundai Santa Fe (1,069 - 1,365 tỷ đồng), Kia Sorento (964 triệu - 1,499 tỷ đồng), GAC GS8 (1,269 - 1,369 tỷ đồng)...
Ô tô thuần điện hiện được ưu đãi miễn 100% lệ phí trước bạ, ít nhiều giúp tổng chi phí lăn bánh của Tang vẫn ở mức chấp nhận được so với các đối thủ dùng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, về lâu dài định giá gần 1,6 tỷ đồng sẽ khiến mẫu xe đắt nhất của BYD Việt Nam gặp khó khi chính sách kích cầu xe xanh có sự thay đổi lớn từ tháng 3/2025 với mức thu lệ phí trước bạ là 50% giá xe.
Khi đó, những hãng xe khác chỉ cần tung ra động thái giảm giá thì sẽ khiến chiếc SUV điện Trung Quốc không còn nhiều lợi thế để thuyết phục người dùng Việt Nam ở yếu tố giá trị đầu tư sở hữu. Bên cạnh đó, hệ thống đại lý và trạm sạc bên thứ 3 chưa quá phổ biến cũng là rào cản hiện hữu với Tang nói riêng và các dòng xe điện BYD nói chung.
Phiên bản BYD Tang nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam trang bị 2 động cơ điện tạo thành hệ dẫn động AWD, cho tổng công suất 510 mã lực và sức kéo tối đa 700 Nm. Với kết quả thử nghiệm tiêu thụ năng lượng 218,9 Wh/km theo chuẩn NEDC của Cục Đăng kiểm, cụm pin dung lượng gần 109 kWh có thể di chuyển tối đa khoảng 497 km.
Danh sách trang bị tiện nghi nổi bật trên BYD Tang gồm có đồng hồ tốc độ kỹ thuật số 12,3-inch, màn hình thông tin giải trí 15,6-inch xoay ngang/dọc, điều hòa tự động 3 vùng, camera 360 độ, cửa sổ trời toàn cảnh, đèn trang trí nội thất nhiều màu, hệ thống hỗ trợ lái nâng cao ADAS…