Ô tô tại Mỹ bắt buộc trang bị phanh khẩn cấp tự động từ năm 2029

Hệ thống phanh khẩn cấp tự động nằm trong danh sách các tiêu chuẩn an toàn bắt buộc phải có trên ô tô theo quy định vừa ban hành bởi nhà chức trách Mỹ.

iPhone on MacBook Keyboard
Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) mới đây công bố loạt các tiêu chuẩn an toàn đối với ô tô. Trong số này có cả hệ thống Phanh khẩn cấp tự động (Auto Emergency Braking - AEB), một công nghệ an toàn chủ động giúp hạn chế xảy ra va chạm nhờ phát hiện sớm chướng ngại vật. Theo lộ trình, các nhà sản xuất có 5 năm chuẩn bị, nghĩa là sau năm 2029, xe mới bán ra thị trường Mỹ buộc phải có hệ thống này.

Quy định mới dự kiến áp dụng cho tất cả các dòng ô tô dân dụng và xe tải hạng nhẹ. Theo đó, Phanh khẩn cấp tự động được yêu cầu phải có khả năng làm cho ô tô dừng hẳn dù đang chạy ở vận tốc 100 km/h, ngay khi phát hiện ra nguy cơ va chạm. Khi đang chạy ở vận tốc hơn 70 km/h, xe phải có khả năng tự động dừng lại khi phát hiện người đi bộ băng qua đường, bất chấp điều kiện ngày hoặc đêm.

Phanh khẩn cấp sẽ là trang bị bắt buộc trên ô tô bán ra tại Mỹ - Ảnh: Carscoops

Phanh khẩn cấp tự động sử dụng nhiều cảm biến, tia laser và camera để phát hiện va chạm tiềm ẩn. Khi sắp xảy ra va chạm, hệ thống sẽ tự phanh hoặc hỗ trợ lực phanh để giúp người lái xe dừng lại nhanh chóng và an toàn. Theo báo cáo của The New York Times, các nhà sản xuất hiện tại đã đưa hệ thống này vào 90% ô tô mới. Tuy nhiên, đa phần những hệ thống đó đều không hoạt động ở ngưỡng tốc độ mà NHTSA quy định như trên. Theo cơ quan này, yêu cầu của họ hoàn toàn khả thi, miễn là các nhà sản xuất chịu nâng cấp phần mềm.

Giới chức liên bang Mỹ cho rằng với quy định mới, họ ước tính hệ thống có khả năng ngăn chặn hơn 360 trường hợp tử vong trên đường mỗi năm, đồng thời giảm mức độ nghiêm trọng của hơn 24.000 ca chấn thương do tai nạn. Tất nhiên hạn chế va chạm cũng giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều tiền và chi phí do thiệt hại tài sản. Ở phía ngược lại, động thái mới của NHTSA cũng không phải được ủng hộ hoàn toàn. 


Liên minh Đổi mới Ô tô (Alliance for Automotive Innovation), một nhóm vận động hành lang đại diện cho các nhà sản xuất đã kêu gọi NHTSA xem xét các phương án khác. Đề xuất được đưa ra đó là giảm tốc độ trong một số tình huống nhất định, vì theo nhóm này, các nhà sản xuất xe "sẽ cần những thay đổi đáng kể về phần cứng và phần mềm, để đạt được mức hiệu suất mà hiện tại không có phương tiện nào có thể đạt được”.
Trước các đề xuất này, Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (Insurance Institute for Highway Safety - IIHS) cũng đã tiến hành các thử nghiệm độc lập và nhận thấy rõ ràng các nhà sản xuất ô tô sẽ còn nhiều việc phải làm, để đáp ứng tiêu chuẩn mà NHTSA đề ra.
Kết quả bài thử do IIHS thực hiện trên 10 chiếc SUV cỡ nhỏ cho thấy ở tốc độ 70 km/h, phanh khẩn cấp tự động không thể giúp chiếc xe dừng lại kịp để tránh một chướng ngại vật xuất hiện bất ngờ. Subaru Forester và Honda CR-V là 2 mẫu xe đạt thành tích tốt nhất sau thử nghiệm.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.