Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Trước sự trầm lặng của nền kinh tế, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để vực dậy thị trường ô tô Việt.

iPhone on MacBook Keyboard

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sau khi Bộ Tài chính trình văn bản đề nghị thực hiện gia hạn theo phương án tương tự như Nghị định số 36/2023/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định 65/2024/NĐ-CP nêu rõ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5, 6, 7, 8, 9 năm 2024 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2024.

Nghị định 65/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (17/6/2024) đến hết ngày 31/12/2024.

Việc gia hạn áp dụng đối với trường hợp kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn và áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thực hiện kê khai thuế TTĐB riêng với các cơ quan thuế quản lí trực tiếp.

Chính phủ chọn mốc thời gian gia hạn đến ngày 20/11/2024 nhằm tránh dồn các khoản phải nộp cho doanh nghiệp vào cuối năm và tránh ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Hết thời gian gia hạn, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô phải nộp đủ số thuế vào ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tác động đến các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Trước bối cảnh suy thoái kinh tế, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm, điều chỉnh sản lượng.

Với những khó khăn, thách thức từ thị trường, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Tính đến giữa năm 2024, lượng tiêu thụ xe sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 26.539 chiếc/tháng (Báo cáo của VAMA và TC Group). Cùng với đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê trong tháng 6/2024, các doanh nghiệp ôtô ước tính lắp ráp 27.200 chiếc, nhiều hơn 200 chiếc so với tháng trước đó. Tính từ đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất ước tính khoảng 144.000 chiếc.

Nhìn rộng ra, bức tranh kinh tế chung vẫn còn u ám và đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ nay đến cuối năm 2024, thị trường ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực do khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu.

Các giải pháp kích cầu tiêu dùng riêng lẻ của từng doanh nghiệp chưa thực sự "đủ liều" để tạo ra sự ổn định trong sản lượng và doanh số bán hàng, chưa nói đến tạo cú hích giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững. Do đó, những chính sách vĩ mô từ Chính phủ sẽ là bước đệm giúp các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển.

Gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ tạo điều kiện theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Dự kiến số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước phát sinh trong các tháng tiếp theo năm 2024 khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng. Theo đó, tổng số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 5 kỳ tính thuế là khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không phải là giải pháp ưu đãi về thuế, không vi phạm các quy định về trợ cấp do đó không xung đột lợi ích với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Dù không phải là ưu đãi về thuế suất nhưng việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB sẽ tạo điều kiện theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước so với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, vi phạm nguyên tắc đối xử của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và FTA.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.