Một thế lực trong phân khúc SUV cỡ trung
Những năm gần đây, thế giới xe chứng kiến sự chuyển dịch sang xe thể thao đa dụng từ những mẫu sedan truyền thống vốn ngày càng tỏ ra kém linh hoạt trong thế giới kết nối. Ví như năm 2016 chỉ riêng phân khúc xe thể thao đa dụng chiếm tới 28,8 % lượng xe bán ra trên toàn cầu với 24,2 triệu xe. X-Trail đã chiếm hơn 800.000 xe trong số hàng trăm mẫu SUV bán ra trên thị trường - con số chứng thực cho thành công của Nissan với phân khúc SUV nói chung và “gà vàng” X-Trail nói riêng.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt từ các thương hiệu tên tuổi quốc tế tới nhãn hàng nội địa mẫu mã đẹp giá rẻ hay như Mỹ, nơi “quần hùng hội tụ” từ những người đồng hương Nhật Bản đến các thương hiệu nội địa như Ford, Chevrolet đều rất mạnh trong phân khúc SUV. Thị trường châu Âu còn khó khăn hơn khi chuộng những mẫu xe thực dụng cao, tiết kiệm và bền bỉ hơn là hình thức bên ngoài.
Có vẻ như X-Trail đã dung hòa tốt nhiều xu hướng tiêu dùng ở 3 thị trường ô tô lớn nhất thế giới khi đồng thời đạt doanh số ấn tượng trong phân khúc góp phần vào tổng doanh số 825.431 chiếc X-Trail đến tay khách hàng toàn cầu trong năm 2016, đạt đỉnh 879.584 xe trong năm 2017, giảm nhẹ còn 771.145 xe vào năm 2018…
“Giải mã” sức hút của Nissan X-Trail
Nói về X-Trail, nhiều người châu Âu ví von như Toyota Corolla của thế giới SUV bởi nó không quá nổi bật về hình thức nhưng làm tốt hầu hết mọi khía cạnh cần có của một chiếc xe đa dụng, nhờ vậy mà luôn có một lượng lớn “fan” trung thành. Có người cho rằng, việc so sánh với Corolla cho thấy X-Trail là chiếc xe “buồn tẻ” nhưng thực tế thấy rằng hầu hết người tiêu dùng, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu lại đề cao tính thực dụng, độ bền bỉ, sự tin cậy cao hơn là vẻ ngoài hào nhoáng hay trang thiết bị hoành tráng.
Về thiết kế, X-Trail không phải là chiếc SUV quá nổi bật, nó đơn giản, khỏe khoắn và không rẻ tiền với một kích thước vừa phải, đủ lớn cho một gia đình nhưng không quá cồng kềnh. Điểm trừ lớn nhất khiến nó khó chinh phục các thị trường đang phát triển là hệ thống thông tin giải trí có phần lạc hậu nhưng giống như bất kỳ chiếc xe nào được người Mỹ và châu Âu nhắm trúng - nó có giá trị sử dụng cao.
Có người còn nghi ngờ rằng hẳn Nissan đã thuê một phụ huynh sành sỏi thiết kế khoang cabin cho X-Trail. Nó có tầm nhìn tốt, nhiều hộc chứa đồ tiện dụng, chỗ ngồi thoải mái cùng khoang hành lý rộng rãi với cảm biến đá chân với một không gian yên tĩnh khi lái xe. Mặc dù hệ thống giải trí hiện đại bị cắt giảm nhưng bù lại X-Trail có dàn âm thanh Bose, ghế sưởi, đệm đỡ đầu gối, điều hòa 2 vùng độc lập, camera 360 độ, phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo điểm mù, cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo giao thông phía sau, phát hiện đối tượng chuyển động trên bản cao cấp.
Giá bán khởi điểm thấp (chỉ từ 28.000 USD) tới cao (50.000 USD) cũng giúp X-Trail tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, cạnh tranh được với cả xe Hàn Quốc hay xe nội địa Trung Quốc lẫn các mẫu xe đắt đỏ hơn đến từ châu Âu hay Mỹ. Đây đều là những nhân tố giúp X-Trail có được lượng khách hàng trung thành lớn, chinh phục được các thị trường khó tính góp phần nâng cao thị phần của hãng xe Nhật Bản trong phân khúc SUV.