Điểm lại loạt xe Trung Quốc sớm nở tối tàn tại Việt Nam

Không ít dòng xe Trung Quốc từng rầm rộ đổ bộ thị trường Việt nhưng cũng nhanh chóng "chết yểu" trong thời gian ngắn vì các lý do khách quan và chủ quan.

iPhone on MacBook Keyboard

Các dòng xe Trung Quốc thường dùng giá rẻ, thiết kế hào nhoáng cùng nhiều trang bị "tân tiến" để cạnh tranh và thu hút khách hàng Việt. Tuy nhiên, chính giá thành rẻ lại là con dao hai lưỡi với xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam khi người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi về chất lượng và định kiện với các mẫu xe xuất xứ từ đất nước tỷ dân.

Một số mẫu xe Trung Quốc đã từng được kỳ vọng "sẽ làm nên chuyện" tại thị trường Việt Nam khi mang nhiều điểm tương đồng với thị hiếu tiêu dùng của khách hàng Việt. Mức giá bán không tưởng, thiết kế học hỏi từ các hãng xe sang đồng thời trang bị tiện ích tân tiến song kết quả cuối cùng lại "chết yểu" chỉ trong thời gian ngắn.

Zotye Z8

Cái tên để lại dấu ấn nhiều nhất trong làng xe Trung Quốc tại Việt Nam có lẽ là Zotye Z8. Thời điểm mới về nước năm 2018, Zotye Z8 nhận được khá nhiều sự chú ý của người tiêu dùng trong nước. Nhiều thời điểm, đại lý phân phối còn không nhập đủ xe về để bàn giao đến tay khách hàng. Mẫu crossover cỡ C của Trung Quốc thu hút được khách hàng Việt qua hai yếu tố là giá rẻ và ngoại hình mang dáng dấp của hàng loạt các siêu xe như Range Rover, Jaguar, Maserati...

Dù Zotye Z8 được đánh giá có nhiều điểm tốt song xuất xứ của mẫu xe này vẫn khiến người Việt băn khoăn e ngại.

Động cơ của Zotye Z8 là loại tăng áp 2.0L từ Mitsubishi với công suất 188 mã lực và mô-men xoắn 250 Nm kết hợp cùng hộp số AT 8 cấp. Với thiết kế và cấu hình động cơ được sử dụng, mức giá của Zotye chỉ khoảng 728 triệu đồng khiến nhiều người bày tỏ đây là một mức giá tốt. Tuy nhiên, chất lượng của Zotye Z8 vẫn là dấu hỏi lớn với người tiêu dùng Việt.

Đang lên như diều gặp gió, Zotye Z8 bỗng bị người tiêu dùng tẩy chay không thương tiếc bởi biến cố "Đường lưỡi bò". Cụ thể, tất cả các mẫu xe du lịch Trung Quốc thương hiệu Zotye và BAIC do Công ty Kylin-GX668 nhập khẩu và phân phối đều được cài ứng dụng định vị dẫn đường sử dụng hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò". Sự việc trên đã khiến Zotye Z8 trở thành mẫu xe một vòng đời tại Việt Nam.

BAIC Q7

Cùng với đồng hương Zotye Z8, BAIC Q7 cũng từng làm dậy sóng thị trường ô tô Việt với doanh số bán ra đáng kể. Xe bán ra với giá 658 triệu đồng vào năm 2020 và được biết đến với biệt danh Land Rover Châu Á khi nhái thiết kế đầu xe tương tự những mẫu Range Rover.

Đến nay, BAIC Q7 đã bị khai tử và không còn bán ra tại Việt Nam. Trên thị trường xe cũ, BAIC Q7 có giá rao bán hơn 300 triệu đồng, chưa qua thương lượng. Như vậy có thể thấy chỉ sau 3 năm sử dụng, BAIC Q7 đã mất giá hơn 50%. Chưa kể kiểu dáng xe BAIC Q7 hiện đã lạc hậu, không còn hợp thẩm mỹ của nhiều người Việt. Dù mang danh "nhái" Land Rover nhưng thiết kế xe không cân đối bởi bề rộng nhỏ, chiều dài ngắn, chưa kể các chi tiết hoàn thiện kém khiến chiếc xe trông rất bình dân.

Những mẫu xe Trung Quốc thường gây ấn tượng với ngoại hình bắt chước các “ông lớn” đã quá nổi tiếng.

Tại thời điểm tung ra thị trường Việt Nam, nhiều người Việt "ca ngợi" mẫu xe này vượt trội so với các đối thủ cùng phân khúc, định giá bán hợp lý. Tuy nhiên chất lượng xe và doanh số bán tại thị trường quê nhà Trung Quốc của mẫu xe đi ngược lại nhận định này. Vẻ ngoài hào nhoáng và danh sách tiện nghi trải dài lại chưa tương xứng với chất lượng và giá trị sử dụng thực tế. Sau cùng, ngay sau khi "làn sóng" Beijing X7 nhập về Việt Nam với chất lượng được cho là khá hơn, BAIC Q7 nhanh chóng bị lãng quên sau 2 năm có mặt tại Việt Nam và mất giá nghiêm trọng trên thị trường xe cũ.

BAIC BJ40

Từ năm 2014, người tiêu dùng Việt mới bắt đầu loáng thoáng nghe đến cái tên BAIC thông qua mẫu BJ40. Chiếc SUV của BAIC mang ngoại hình tổng thể gợi nhớ đến những mẫu xe của thương hiệu Jeep. Được xem là chiếc Jeep Wrangler phiên bản Trung Quốc với nội thất lấy cảm hứng từ Mercedes-Benz G-Class, BAIC BJ40 có giá niêm yết lên tới 1 tỉ đồng khi về Việt Nam.

Chất lượng và độ bền vẫn là những điểm người Việt quan tâm khi nói đến xe Trung Quốc.

Mẫu xe SUV Trung Quốc cũng là dòng xe gây tranh cãi và được cho là khó bán ra ở thị trường trong nước, tuy nhiên dòng xe này vẫn có được một tệp khách nhỏ trên cả thị trường xe mới và xe cũ. Một số người Việt đánh giá rất cao về khả năng vượt địa hình của chiếc SUV này thông qua bài kiểm nghiệm ở cuộc thi off-road đã diễn ra tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, số phận của BAIC BJ40 cũng tương tự như các mẫu xe Trung Quốc khác khi nhanh chóng chìm vào quên lãng sau một thời gian ngắn với doanh số chỉ bằng đầu ngón tay. Nhái thiết kế, chưa tạo được dấu ấn riêng hơn nữa chất lượng chưa thực sự tốt khiến BAIC BJ40 "sớm nở tối tàn" tại thị trường Việt Nam.

Brilliance V7

Một mẫu xe cũ ở Trung Quốc nhưng mãi tới đầu năm 2020 mới được đưa về thị trường Việt Nam, Brilliance V7 cũng góp phần tạo nên sự đa dạng và sôi động cho thị trường ô tô Việt. Brilliance V7 được quảng bá là phát triển dựa trên nền tảng BMW X3 và sử dụng động cơ N18 của BMW. Brilliance V7 tạo cơn "sốt" nhẹ nhờ mang nhiều nét cơ bản giống X3, có trang bị tốt nhất phân khúc với giá bán hơn 700 triệu đồng.

Nhưng đến cuối năm 2020, hãng xe Brilliance tuyên bố phá sản. Nhiều khách hàng Việt đứng ngồi không yên khi vừa cởi mở với xe Trung Quốc lại gặp cú lừa để đời dù đơn vị nhập khẩu từng đưa ra giải thích việc tiến hành phá sản của hãng nhằm mục đích tái cơ cấu và hãng xe vẫn hoạt động bình thường. Kể từ đó, Brilliance V7 đã bị khai tử và trở thành xe một vòng đời tại Việt Nam như bao xe Trung Quốc khác.

Có cùng mức giá, người Việt vẫn ưu tiên lựa chọn xe Nhật, Hàn,... đã qua sử dụng thay vì xe Trung Quốc mới.

Mặc dù có thiết kế khá đẹp mắt, nhờ sao chép từ những mẫu xe của châu Âu, kết hợp với nhiều trang bị hiện đại, nhưng việc thuyết phục khách hàng Việt Nam tin tưởng vào ô tô Made in China vẫn còn là điều xa vời.

Chất lượng, độ bền của mỗi mẫu xe cần có thời gian để đánh giá và kiểm chứng. Đáng nói, những mẫu xe Trung Quốc kể trên chưa đủ thời gian để kiểm chứng chất lượng tại thị trường Việt Nam thì đã khai tử hoặc ngừng bán. Đến nay, đa số người tiêu dùng Việt vẫn sẵn sàng chọn mua một chiếc xe đã qua sử dụng mang thương hiệu Nhật, Mỹ, Hàn,... thay vì chọn mua “xe Tàu” dù mới đẹp, nhiều công nghệ và giá thành dễ tiếp cận.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.