Nhìn lại màn đổ bộ Việt Nam của xe Trung Quốc trong năm 2024

Thị trường ô tô Việt Nam trong năm qua chứng kiến sự xuất hiện của nhiều thương hiệu xe Trung Quốc đình đám với các hướng đi và cách tiếp cận khác biệt.

iPhone on MacBook Keyboard

Tiếp nối màn thăm dò và chào sân tương đối dè dặt hồi năm 2023 của Lynk & Co, Haima hay Haval, làn sóng xe Trung Quốc thứ 2 tại Việt Nam diễn ra ào ạt hơn trong 12 tháng qua với hàng loạt dự án quy mô được công bố, đi cùng những thương hiệu mới đáng chú ý chính thức được mở bán.

Theo đó, sự xuất hiện của Aion, BYD, GAC cùng Omoda & Jaecoo mở ra thế trận khó lường hơn cho thị trường ô tô khi tạo thêm áp lực cạnh tranh với những tên tuổi quen thuộc đã có mặt ở dải đất hình chữ S. Tuy nhiên, mỗi tân binh lại có riêng mình một nước cờ riêng và hiệu quả bước đầu cũng tương đối khác biệt.

Aion xoay xở tìm hướng đi 

Từ đầu năm 2024, hãng xe điện Aion đã có những bước đi đầu tiên để thiết lập hệ thống kinh doanh tại Việt Nam thông qua nhà phân phối độc quyền là Harmony Group. Thương hiệu con của tập đoàn ô tô Quảng Châu  - GAC cho thấy tham vọng chinh phục khách Việt bằng các mẫu ô tô điện nhiều công nghệ và có thông số ấn tượng.

Sản phẩm của Aion nói chung đã có thành công nhất định ở các nước láng giềng, điển hình là chiếc SUV cỡ C tên Y Plus hay mẫu xe cao cấp Hyptec HT được đón nhận tốt ở Thái Lan. Tuy nhiên, mức giá của Aion Y Plus và Aion ES tại Việt Nam thực tế lại không quá hấp dẫn khi so sánh với các lựa chọn tương tự của VinFast hay xe sedan chạy xăng cùng hạng.

Bên cạnh đó, việc chậm chân mở rộng hệ thống phân phối cũng như xây dựng nhận diện trong giai đoạn đầu mở bán cũng khiến hãng xe điện Trung Quốc thành lập năm 2017 khó khăn khi tiếp cận khách hàng trong nước suốt thời gian qua. Trong năm 2025, Aion Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh làm mới hình ảnh cùng danh mục sản phẩm nếu không muốn đi vào vết xe đổ của Haval hay Haima.

BYD nhanh chóng củng cố nền móng

Cũng như Aion, BYD chọn xe điện để làm bàn đạp khi nhập thị trường Việt Nam nhưng nhà sản xuất có tổng hành dinh tại Thẩm Quyến cho thấy sự chuẩn bị bài bản với màn ra mắt quy mô hồi giữa năm 2024. Sau 3 dòng sản phẩm mở màn gồm Dolphin, Atto 3 và Seal, đến nay BYD Việt Nam đã có thêm M6 và Han để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Cùng với đó, hãng xe Trung Quốc này cũng cho thấy sự nghiêm túc và tham vọng với quá trình xây dựng mạng lưới đại lý được triển khai nhanh chóng. Hãng cũng tham gia Vietnam Motor Show và tổ chức nhiều hoạt động lái thử ở các tỉnh thành để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng quan tâm đến ô tô điện.

Tuy vậy, năm 2024 đã qua đối với BYD không hoàn toàn êm ả khi nhiều lần vấp phải những sự vụ ngoài ý muốn làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu. Đơn cử có thể kể đến việc tạm hoãn dự án xây dựng nhà máy sản xuất, đối tác Tasco hủy bỏ dự án mở hệ thống phân phối BYD để chuyển sang đầu tư cùng Geely hay lùm xùm quanh tên gọi gây tranh cãi của chiếc Tang EV.

GAC chào sân với nhiều hoài nghi

Nếu hãng con Aion vào Việt Nam thông qua đối tác chuyên bán xe cao cấp ở châu Á thì GAC chọn một cái tên quen thuộc là Tập đoàn Tan Chong để bán xe động cơ đốt trong ở dải đất hình chữ S. Đáng chú ý, Tan Chong từng là đơn vị nắm quyền kinh doanh Nissan và MG nhưng đã phải rời đi không kèn không trống khi bị hãng mẹ truất quyền phân phối 2 thương hiệu này.

Không chỉ bị đặt dấu hỏi về tiềm năng cũng như cam kết dài hạn, GAC còn khiến người dùng bất ngờ với việc chào sân bằng 2 mẫu xe kén khách là GS8 ở nhóm SUV cỡ trung và dòng MPV cỡ lớn M8. Mức giá tiền tỷ của bộ đôi xe Trung Quốc này cũng trở thành rào cản lớn khi GAC vẫn là tên tuổi mới và chưa có nhiều ở Việt Nam.

Dẫu vậy, GAC ít nhiều cho thấy nỗ lực xoay chuyển tình thế khi tung ra các ưu đãi cho khách mua xe và đầu tư xây dựng các kênh phân phối, xưởng dịch vụ ở giai đoạn cuối năm. Hãng cũng đã tung ra chiếc GAC M6 Pro có giá thành hợp lý để đánh vào phân khúc MPV phổ thông đang được ưa chuộng, hứa hẹn có thể trở thành cứu cánh doanh số trong năm 2025.

Omoda & Jaecoo cẩn trọng với kế hoạch dài hạn

Là cái tên xuất hiện sớm nhất trong bài viết này khi đã có những động thái thăm dò thị trường và quảng bá hình ảnh bắt đầu từ cuối năm 2023, nhưng phải đến tháng 11/2024 thì Omoda & Jaecoo mới chính thức mở bán mẫu xe đầu tiên là chiếc Omoda C5. Tiếp đến, Jaecoo J7 dự kiến trình làng thị trường Việt Nam vào đầu năm sau.

Việc 2 thương hiệu con của tập đoàn ô tô Chery kéo dài thời gian triển khai kinh doanh được cho là để có được sự chuẩn bị tốt nhất và điều chỉnh sản phẩm dựa trên phản hồi từ thị trường. Ban đầu, hãng xe Trung Quốc dự định giới thiệu xe thuần điện và xe hybrid cắm sạc trước tiên nhưng đã chuyển sang xe động cơ đốt trong.

Bên cạnh đó, hãng xe Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy thông qua liên doanh giữa tập đoàn Geleximco đối tác. Khi đi vào hoạt động đầu năm 2026, đây sẽ là đại bản doanh để các mẫu ô tô Omoda và Jaecoo lắp ráp trong nước cạnh tranh sòng phẳng với xe Nhật và xa Hàn.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.