Trong tháng 9/2024, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận 2 diễn biến đáng chú ý liên quan đến sự bành trướng của các thương hiệu xe Trung Quốc khi Geely và Great Wall Motor (GWM) liên tiếp công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ở dải đất hình chữ S.
Những dự án này ít nhiều là dấu hiệu cho thấy tham vọng cũng như cam kết đầu tư nghiêm túc của các hãng xe đến từ đất nước tỷ dân. Tuy vậy, bức tranh không phải chỉ có màu hồng khi vẫn đó nhiều khó khăn chờ đợi xe Trung Quốc nói chung và các nhà sản xuất muốn xây nhà máy tại Việt Nam nói riêng.
Tìm kiếm cơ hội mới
Là động thái quan trọng nhưng việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa GWM cùng Thành An Group (TAG) lại diễn ra âm thầm và chỉ được biết đến thông qua các trang tin nước ngoài chuyên về xe Trung Quốc. Theo đó, TAG từ đơn vị phân phối các dòng xe Haval - thương hiệu con thuộc GWM, nay sẽ đóng vai trò đối tác chính trong dự án xây dựng nhà máy sản xuất xe GWM ở Việt Nam.
Dù vậy, thông tin cụ thể về số vốn, quy mô sản lượng cũng như địa điểm đặt cơ sở lắp ráp ô tô mới do TAG và GWM đầu tư chưa được hé lộ. Hai đơn vị này chỉ cho biết kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động từ cuối năm 2025, qua đó hoàn thiện mô hình kinh doanh tại Việt Nam.
Diễn ra công khai và đáng chú ý hơn là buổi ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược của tập đoàn Tasco cùng Geely Auto. Bên cạnh việc được ủy quyền phân phối thương hiệu Geely, Tasco cũng nhận về hợp đồng liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô theo dạng CKD với tập đoàn ô tô Trung Quốc.
Tọa lạc tại tỉnh Thái Bình, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Geely sẽ góp vốn 36%. Liên doanh bước đầu sẽ lắp ráp các dòng xe Lynk & Co và Geely, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Giai đoạn 1 của nhà máy có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm, dự kiến khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Xây dựng nhà máy có thể xem là bước đi cần thiết để các hãng xe Trung Quốc tạo dựng niềm tin với người dùng Việt. Dẫu vậy, những diễn biến trước đó từng được ghi nhận với loạt nhà sản xuất đến từ đất nước tỷ dân cho thấy còn nhiều biến số có thể xảy ra với toan tính của Geely hay GWM.
Đơn cử, công ty TMT Motors đang chứng kiến tình trạng tài chính tệ hại sau khoảng 2 năm phải gồng gáng việc lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Trung Quốc Wuling Mini EV. Dù được sản xuất tại nhà máy ô tô điện của TMT tại tỉnh Hưng Yên, sản phẩm then chốt của liên doanh này vẫn ế ẩm kéo dài, phải liên tục phải giảm giá sâu nhằm kích cầu và khiến công ty Việt Nam thua lỗ cả trăm tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm 2024.
Một tên tuổi khác cũng ít nhiều gặp trắc trở với việc đầu tư sản xuất tại Việt Nam là BYD. Hãng xe năng lượng mới này đã phải hoãn vô thời hạn dự án xây dựng nhà máy khu công nghiệp thuộc tỉnh Phú Thọ vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Đến nay, nhà máy BYD Thái Lan đã đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất ở Indonesia đã được động thổ và thương hiệu tỏ ra hào hứng khi đầu tư vào Campuchia khiến tương lai có xe BYD lắp ráp ở Việt Nam càng trở nên mờ mịt.
Trong khi đó, hồi tháng 4, tập đoàn Geleximco và Omoda & Jaecoo đã ký hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất có công suất lên đến 200.000 xe/năm tại khu công nghiệp Hưng Phú thuộc tỉnh Thái Bình. Tổng giá trị đầu tư được công bố là hơn 800 triệu USD, nhưng phải đến quý I/2026 dự án mới dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 để đi vào hoạt động, còn hiện tại vẫn chưa có thông tin khởi công xây dựng. Ngoài ra, các mẫu xe thuộc tập đoàn ô tô Chery vẫn chưa thể bán ra thị trường dù 2 hãng con đã liên tiếp triển khai các hoạt động tiếp thị, truyền thông ở Việt Nam.
Quay trở lại với dự án của GWM, trong lúc chờ đợi nhà máy của liên doanh hình thành và đi vào hoạt động, TAG sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý để kinh doanh các mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan. Đồng thời, đơn vị này trước mắt cần phải nỗ lực cải thiện tính nhận diện cho thương hiệu con của GWM khi cái tên Haval gần như mất hút trên thị trường dẫu đã có hơn một năm góp mặt tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các mẫu xe Haval mới nhiều lần được úp mở sắp mở bán nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín, còn chiếc SUV hybrid H6 bán rất chậm bởi định giá cao và khả năng cạnh tranh kém cũng khiến người dùng trong nước đặt dấu hỏi về kế hoạch kinh doanh của GWM cùng đối tác.
Về phía Geely, Tasco thông qua công ty con Tasco Auto hiện nay đã nắm gần như đầy đủ danh mục thương hiệu con của công ty này, bao gồm Volvo, Lynk & Co và hãng xe điện mới nổi Zeekr. Tuy nhiên, chỉ riêng Volvo đã có thị phần nhất định ở mảng xe sang nhờ giai đoạn vận hành hiệu quả nhà phân phối cũ và yếu tố Thụy Điển. Còn lại, những cái tên khác đều thuần túy là xe Trung Quốc kén khách và khó bán.
Thời gian khoảng một năm theo dự định để đưa các mẫu CKD của Geely hay Lynk & Co ra thị trường tương đối ngắn ngủi, khó có thể giải quyết được hạn chế về định vị sản phẩm không phù hợp với thị hiếu người Việt, đi cùng thương hiệu xa lạ và hệ thống phân phối hạn chế. Những rào cản này sẽ khiến Tasco khó có thể nhanh chóng hiện thực hóa tham vọng trở thành ông lớn trong ngành ô tô Việt Nam như Thaco Auto hay TC Motor.