Màn chào sân thất vọng của GAC Motor với xe Trung Quốc ‘ngáo giá’

Chọn hướng đi khác biệt so với các thương hiệu xe Trung Quốc đến Việt Nam trong hơn một năm qua, GAC Motor đối mặt với nhiều khó khăn khi sản phẩm kém hấp dẫn và giá cao.

iPhone on MacBook Keyboard

GAC Motor là hãng xe Trung Quốc mới nhất trình làng thị trường ô tô Việt Nam thông qua sự phân phối của Tan Chong Group, đơn vị từng bị truất quyền kinh doanh 2 thương hiệu Nissan và MG. Trái với kỳ vọng ban đầu về một nhà sản xuất có tên tuổi, hãng con của tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC Group) có màn ra mắt để lại nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến sản phẩm cũng như định vị thương hiệu.

Trước hết, GAC Motor Vietnam (GMV) không chọn cách tiếp cận khách hàng trong nước bằng xe điện hóa như các thương hiệu đồng hương Wuling, Haval, Haima hay BYD đã làm trong hơn một năm qua. Thay vào đó, bộ đôi SUV và MPV trang bị máy xăng tăng áp 2.0L được GAC trình làng nhằm vào thị hiếu sử dụng của số đông người dùng, thay vì đi theo xu hướng xanh hóa của ngành xe.

Sự kiện ra mắt của GAC vướng nhiều phàn nàn về khâu tổ chức - Ảnh: GMV

Đồng thời, việc đưa về Việt Nam cấu hình động cơ dung tích nhỏ được cho là để tránh mức thuế nhập khẩu cao đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, giá bán của 2 mẫu xe GAC lại không hề dễ chịu khi GS8 có giá đề xuất dao động 1,27 - 1,37 tỷ đồng, còn 3 phiên bản M8 có khoảng giá lên tới 1,7 - 2,2 tỷ đồng.

Những con số này là không hề hấp dẫn khi đặt cạnh các mẫu SUV 7 chỗ hạng D hay MPV cỡ lớn của Ford, Hyundai, Kia, Volkswagen… Đây cũng là 2 phân khúc có thị phần khiêm tốn và đã định hình tập khách hàng ổn định cho các hãng xe lâu năm tại Việt Nam, khó có thể giúp GAC tạo được bước chạy đà tốt về mặt doanh số.

Chưa kể, hệ thống phân phối, dịch vụ cũng như độ nhận diện thương hiệu của hãng xe Trung Quốc hiện nay gần như bằng không. Kế hoạch kinh doanh của GAC Motor cùng Tan Chong chỉ đang bước đầu hình thành, chưa có được cam kết lâu dài mà chỉ dừng ở mức thăm dò ngắn hạn tới năm 2025.

Sản phẩm của GAC Motor kém hấp dẫn cả về giá bán lẫn định vị thương hiệu - Ảnh: GMV

Những yếu tố này khiến khách hàng Việt Nam khó có thể mặn mà và đồng ý xuống tiền cho những mẫu xe Trung Quốc định giá quá cao so với giá trị thực, cả về tính năng công nghệ lẫn độ tin cậy, an tâm lâu dài trong quá trình sử dụng.

Sau GAC GS8 và GAC M8, hãng xe Trung Quốc để ngỏ khả năng giới thiệu thêm ô tô hybrid trong tương lai. Trong khi đó, thương hiệu xe điện Aion cũng thuộc GAC Group tại Việt Nam được nhập khẩu và phân phối độc quyền bởi Harmony Group, đơn vị có thể xe là đối thủ của Tan Chong Group trong mảng kinh doanh ô tô ở nhiều quốc gia thuộc châu Á.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.