Dù vẫn nắm giữ danh hiệu hãng xe máy có thị phần lớn nhất, doanh số bán hàng của Honda Việt Nam (HVN) trong năm 2023 giảm 13,3% so với năm trước đó, còn gần 2,1 triệu chiếc. Vì lẽ đó, Honda buộc phải nỗ lực làm mới bản thân nhằm thích nghi với khó khăn giữa bối cảnh toàn thị trường xe 2 bánh trong nước dần chững lại và không còn nhiều dư địa phát triển.
Bước đi đáng kể nhất trong thời gian qua của hãng xe Nhật Bản là nâng cấp hệ thống Cửa hàng Bán xe và Dịch vụ do Honda Ủy nhiệm (HEAD) và chuỗi showroom xe phân khối lớn của Honda, tập trung vào trải nghiệm dành cho khách hàng nhiều hơn định hướng thuần bán hàng như trước.
Theo đó, các HEAD được thay mới cách bố trí theo mô hình Shop in shop với từng khu vực trưng bày độc lập theo từng nhóm sản phẩm xe máy, phụ kiện hay phụ tùng. Còn 3 cửa hàng chuyên bán xe mô tô tại Hà Nội và TP.HCM được Honda đổi tên từ Big Bike thành Dream Wing với hình ảnh chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Mới đây nhất, Honda CB350 H’ness khi mở bán chính hãng đã nhận được sự đón nhận tích cực từ người dùng Việt Nam. Mẫu mô tô cổ điển nhập khẩu từ Ấn Độ sở hữu riêng mô hình bán hàng với tên gọi Cửa hàng CB ủy nhiệm - CB Authorized Dealer.
Đồng thời, mẫu CB đầu tiên do Honda Việt Nam phân phối còn là dòng xe 2 bánh đầu tiên của hãng được bán song song ở cả HEAD lẫn Dream Wing, khác với 2 dòng mô tô 300 cc trước đây là Rebel 300 và CB300R.
Nhìn rộng hơn, Honda tiếp tục tăng cường cạnh tranh với các bên kinh doanh xe máy tư nhân khi phân phối CB350 H’ness, tương tự trường hợp của Vario 125 và Vario 160 sản xuất tại Indonesia. Ngoài giá bán thấp hơn xe không chính hãng thì nhà sản xuất Nhật Bản còn cung cấp chính sách bảo hành để thuyết phục khách hàng chọn các model nhập khẩu này.
Đây được xem là cách làm khả dĩ hơn cả để Honda có thể mở rộng thị phần của mình tại Việt Nam, khi mà những cái tên quen thuộc như Wave, Winner, Vision hay SH sản xuất trong nước dường như đã chạm đến giới hạn tăng trưởng.
Phương pháp này cũng được 2 hãng xe đồng hương của Honda là Yamaha và Suzuki áp dụng trong vài năm qua. Thời gian tới, có thể các mẫu xe máy nhập khẩu tư nhân được người dùng Việt ưa chuộng sẽ xuất hiện thêm trên website của HVN.
Xen lẫn trong những bước thay đổi đáng ghi nhận kể trên, Honda cũng có sự lưỡng lự khi chưa dấn thân vào mảng xe máy điện như các thương hiệu đối thủ. Bất chấp VinFast, Yamaha hay DatBike đã có được doanh số khả quan với xe điện, Honda vẫn án binh bất động và tiếp tục thăm dò thị trường qua các dự án mang tính thử nghiệm.
Tựu trung, trước thách thức lớn từ việc nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân dần bão hòa, Honda đang bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng sau vài thập kỷ xây dựng và củng cố vị thế tại Việt Nam. Lời giải cho hãng xe máy lớn nhất thế giới có thể nằm ở những sản phẩm có đặc tính sử dụng riêng biệt, đi cùng mảng kinh doanh phụ trợ xe máy và dịch vụ hậu mãi.