Khác với hầu hết dòng xe tay ga phân khối lớn đang bán tại Việt Nam, Italjet Dragster 300 được định vị là mẫu scooter tập trung vào trải nghiệm tốc độ và mang đến sự thú vị khi cầm lái. Do đó, trường đua Đại Nam là nơi rất phù hợp để thử sức và khám phá khả năng vận hành của Dragster 300 với giới hạn duy nhất chính là kỹ năng của người lái.
Sau khi cầm cương chiếc xe 2 bánh thương hiệu Italia này 3 vòng quanh sân đua ở Bình Dương, có thể nói Dragster 300 là một thứ đồ chơi thú vị khi mang đến sự kết hợp kỳ lạ giữa đặc tính của sportbike cùng kiểu dáng hầm hố cực kỳ lạ mắt.
Hy sinh tất cả để đổi lấy sự mạnh mẽ
Trước tiên, cần nhắc lại về thông số kỹ thuật của Italjet Dragster 300 để hiểu rõ vì sao mẫu xe tay ga này lại khác biệt với đông. Với việc chỉ giữ lại phần yếm trước để che chắn phần đầu cũng như tạo ra diện mạo gai góc, nhà sản xuất đã lược bỏ hầu hết các bộ phận không cần thiết như dàn áo 2 bên hay che chắn động cơ để tối ưu trọng lượng cho xe.
Cụ thể, Dragster 300 được công bố có khối lượng khô là 128 kg, tức nhẹ hơn Honda SH 350i đến 44 kg. Cùng với đó, chiều dài cơ sở của mẫu xe Ý nhập Trung Quốc ở mức 1.345 mm, tức ngắn đòn hơn dòng xe Nhật Bản đến 105 mm.
Kết hợp với bình xăng dung tích 11 lít nằm sát dưới sàn và bố trí gần như giữa 2 trục giúp Italjet có được lợi thế lớn về phân bổ trọng lượng và vị trí trọng tâm tốt hơn đối thủ dù động cơ 300 cc có sức mạnh không dồi dào như SH 350i, ở mức gần 24 mã lực và 26 Nm. Tỷ số công suất/khối lượng của Dragster 300 ở mức 18,6 m/100 kg, thuộc diện tốt nhất phân khúc.
Ngay từ lúc làm quen với xe, có thể thấy chiếc scooter thể thao của Italjet bốc ở nước đề, tăng tốc đoạn ngắn rất ấn tượng và đem đến trải nghiệm phấn khích sau ghi-đông trần dạng như trên xe sport-city. Nếu di chuyển trong phố hay trên quốc lộ, khả năng đáp ứng gia tốc của xe đến khoảng 70 km/h gần như không có gì để chê trách, đủ để làm hài lòng bất kỳ ai.
Tuy nhiên, mức công suất và mô-men xoắn cực đại của động cơ 298 cc đạt được ở dải tua tương đối cao, tương ứng 8.250 vòng/phút và 6.250 vòng/phút nên xe có phần hụt hơi khi cố gắng vượt mốc 100 km/h trên đoạn thẳng dài nhất của sân đua Đại Nam. Bù lại, xe vẫn ổn định và đầm chắc chứ không có hiện tượng chao đảo hay lơi tay lái dù có lúc bảng đồng hồ điện tử hiển thị đến 110 km/h.
Đòi hỏi kỹ năng tốt để ôm cua mượt mà
Điểm đặc biệt hơn cả trên Italjet Dragster 300 là cơ cấu đánh lái độc lập bánh trước ISS (Independent Steering System) được đăng ký độc quyền. Với bố trí trục đánh lái trực tiếp bánh trước được nối với càng đơn nằm bên phải và giảm xóc lò xo trụ đơn nằm tách biệt giữa khung sườn, người lái sẽ đối diện với cảm giác tương đối lạ lẫm khi cầm cương chiếc xe của Italjet.
Trước hết, góc xoay bánh lái tương đối hạn chế vì xe dùng cơ cấu rotuyn đơn kết nối mâm xe và càng trước. Do đó, để có thể vượt qua các góc cua thì người lái buộc phải chủ động đè và lật xe qua lại liên tục khi chuyển hướng, đi cùng với đó là lựa chọn dải tốc độ phù hợp cho từng tình huống để không hố cua hay mất kiểm soát khi chạy trong sân đua.
Ngoài ra, còn một điểm cần nhắc đến ở trải nghiệm điều khiển Italjet Dragster 300 ôm cua là hệ thống phanh không dễ kiểm soát. Vì cơ cấu của cụm đánh lái trước có càng đơn đặt lệch một bên nên lực hãm phân bổ không đồng đều, từ đó việc bóp phanh bánh trước quá nhiều có thể khiến xe không duy trì được quán tính và lực ly tâm, dẫn đến tình trạng xe không duy trì được độ nghiêng cần thiết.
Tựu trung, tổng thể việc điều khiển Italjet Dragster 300 mang đến nhiều sự hứng khởi khi đã đánh đổi tính tiện và kiểu dáng to lớn thường thấy trên các dòng xe tay ga 300 cc khác. Bên cạnh đó, khả năng nâng cấp dồi dào cho các bộ phận liên quan đến vận hành cũng sẽ là điểm cộng để chiếc xe thương hiệu Italia thu hút giới chơi xe tại Việt Nam.