BYD - công ty công nghệ chinh phục mảng xe điện trong 20 năm

Gần 3 thập kỷ thành lập và phát triển, BYD vươn tầm từ một nhà cung cấp pin thuần túy trở thành thương hiệu xe năng lượng mới có thị phần lớn bậc nhất thế giới.

iPhone on MacBook Keyboard

Trong vài năm qua, cái tên BYD nổi lên như một thương hiệu xe năng lượng mới hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô. Không chỉ liên tiếp tăng trưởng và đạt nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng, hãng xe Trung Quốc chưa đầy 20 năm tuổi này còn cho thấy tham vọng thách thức những nhà sản xuất lớn trên thế giới, dựa vào những tiềm lực chủ quan lẫn lợi thế khách quan đến từ đất nước tỷ dân.

Từ hãng pin đến đế chế ô tô và phương tiện xanh

Được thành lập vào năm 1995 tại Trung Quốc, BYD (Build Your Dreams) ban đầu chỉ là một công ty nhỏ chuyên sản xuất pin sạc cho điện thoại di động. Với tầm nhìn xa trông rộng và sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển, BYD nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực này. Các sản phẩm pin của BYD được nhiều hãng điện thoại lớn như Nokia và Motorola tin dùng.

Tuy nhiên, tham vọng của BYD không dừng lại ở đó. Năm 2003, đánh dấu một bước ngoặt lớn khi BYD quyết định "lấn sân" mảng ô tô, vốn được xem là một lĩnh vực đầy thách thức và cạnh tranh cao. Việc một công ty sản xuất pin lại muốn chế tạo ô tô đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ. Nhưng bằng sự kiên trì và quyết tâm, BYD đã chứng minh cho mọi người thấy rằng họ hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Năm 2003, BYD mua lại công ty ô tô Qinchuan và chính thức đặt những viên gạch đầu tiên cho thương hiệu ô tô BYD Auto. Sản phẩm đầu tiên của BYD Auto là mẫu sedan cỡ nhỏ F3 được ra mắt vào năm 2005. Mặc dù còn nhiều hạn chế so với các đối thủ cùng phân khúc, BYD F3 đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng tại thị trường Trung Quốc nhờ giá cả phải chăng và thiết kế bắt mắt.

Sự thành công của F3 đã tiếp thêm động lực cho BYD Auto tiếp tục phát triển. Trong những năm tiếp theo, hãng xe Trung Quốc liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới thuộc nhiều phân khúc khác nhau, từ xe con đến xe thương mại. Đặc biệt, BYD Auto rất chú trọng đến việc phát triển các dòng ô tô năng lượng mới, gồm xe điện và xe hybrid, nhằm thích ứng với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

BYD hiện có dải sản phẩm xe năng lượng mới đa dạng phân khúc, chủng loại - Ảnh: BAV

Sau hơn 20 năm liên tục đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển, mảng kinh doanh ô tô của BYD hiện có 4 thương hiệu gồm BYD, Denza, Fang Cheng Bao và YangWang. Dải sản phẩm của BYD trải rộng nhiều phân khúc, từ phổ thông đến cao cấp, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn được phương tiện di chuyển xanh theo nhu cầu. 

Không chỉ ghi dấu ấn trong lĩnh vực ô tô chở khách, BYD còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến lĩnh vực xe thương mại. Tính đến hiện tại, hãng đã xuất xưởng hơn 85.000 xe buýt điện, khoảng 20.000 xe tải và xe chuyên dụng năng lượng mới ra thị trường. BYD hiện dẫn đầu trong việc cung cấp các dòng xe buýt và xe taxi điện tại thị trường quốc tế, với hơn 400 thành phố tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Đầu tư mạnh mẽ để tự chủ công nghệ

Trụ sở chính BYD hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2007, với diện tích hơn 706.000 m2, gồm nhiều khu vực với chức năng khác nhau như phòng thử nghiệm, phòng nghiên cứu và phát triển, khối văn phòng… Con số chính xác chưa được công bố rộng rãi, nhưng có thể khẳng định rằng BYD đã đầu tư hàng tỷ đô la vào dự án này. 

Công trình này được thiết kế hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Tại đây, BYD trưng bày tất cả thành tựu nổi bật của thương hiệu trong lĩnh vực xe năng lượng mới như công nghệ Blade Battery, nền tảng e-Platform 3.0, công nghệ CTB (Cell To Body), hệ thống kiểm soát thân xe DiSus... 

Hãng xe Trung Quốc hiện tự chủ sản xuất hầu hết bộ phận và công nghệ quan trọng trên ô tô - Ảnh: BAV

Tính riêng trong năm 2023, BYD đã đầu tư hơn 5,6 tỷ USD cho riêng việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đặc biệt, BYD là thương hiệu ô tô có đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và phát triển đông đảo hàng đầu với hơn 102.800 kỹ sư. Với đội ngũ nhân sự quy mô lớn, công ty lấy việc phát triển làm yếu tố cốt lõi, thương hiệu hiện có tổng cộng 11 cơ quan nghiên cứu, bao gồm các lĩnh vực như điện tử, vật liệu, pin, năng lượng mới, ô tô, giao thông đường sắt.

Từ năm 2022, BYD chính thức ngừng sản xuất các mẫu xe dùng động cơ đốt trong truyền thống để tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các dòng xe năng lượng mới. Đến năm 2023, BYD đạt doanh số hơn 3,02 triệu trên toàn cầu, bao gồm xe plug-in hybrid (PHEV) và ô tô thuần điện (EV).

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.