Từng có một câu nói thế này: Nếu chỉ liệt kê từng tính năng trên giấy tờ, có thể một chiếc Ford Mondeo sẽ trở nên không quá khác biệt với BMW Series 3. Nhưng để chứng tỏ cho người khác biết bạn là ai thì rõ ràng đẳng cấp của chiếc BMW là không thể so sánh. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng nó đã lột tả khác biệt rõ ràng lý do tại sao rất nhiều người mua xe sang, đặc biệt là BMW vì thực tế không phải họ chỉ bỏ tiền để mua phương tiện mà còn mua cả trải nghiệm và tự hào về giá trị bản thân.
Ở BMW rõ ràng có một sức hút khó cưỡng sau cả trăm năm lịch sử, đó là ma lực của kẻ đứng đầu. Ngay từ nền móng công ty được hình thành vào năm 1910 với vai trò nhà sản xuất động cơ máy bay, BMW đã nhanh chóng được biết đến với động cơ IIIa có hiệu suất vượt trội hơn bất kỳ máy bay nào của phe Đồng Minh, và được chính phủ Đức đặt hàng số lượng lớn, điều không tưởng với một nhà máy nhỏ vừa thành lập chưa tròn 1 thập kỷ.
Rồi tới khi bước chân vào sản xuất mô tô vào năm 1923 với chiếc R23, hay bắt đầu kỷ nguyên của ô tô BMW với chiếc 303 – cội nguồn của lưới tản nhiệt quả thận ngày nay – hãng xe đến từ xứ Bavaria vẫn duy trì vị trí đứng đầu của mình ở nhiều khía cạnh. Từ việc đánh bại người Ý trên đường đua, tới chiếc BMW 1500 khởi đầu cho kỷ nguyên “New Class”, đưa BMW trở lại vị thế một nhà sản xuất ô tô hạng sang sau bao năm thăng trầm bởi chiến tranh.
Kể từ đó, BMW liên tiếp cho ra mắt Series 02 và Series 3 hay dòng xe hiệu suất cao “M” vào năm 1986, tất cả đều được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận cho tới ngày nay. Đó là nhờ sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng động cơ tốt, đẩy mạnh hiệu suất, an toàn và công nghệ tiên tiến phục vụ trải nghiệm an tâm, tiện nghi nhất cho những khách hàng hạng sang vốn đòi hỏi nhu cầu không chỉ dừng lại ở một phương tiện có thể lăn được bánh.
Ngoài công nghệ, hãng xe sang Đức còn nỗ lực hoàn thiện ngôn ngữ thiết kế đỉnh cao, định hình xu hướng tiêu dùng trong phân khúc hạng sang. Điều này đã giúp BMW có được sự thịnh vượng của ngày hôm nay. Khi nhìn vào một chiếc BMW, chúng ta luôn thấy được một chàng trai bảnh bao, lịch lãm như một doanh nhân giàu có nhưng có chút kiêu ngạo của một tay chơi thứ thiệt, sẵn sàng bùng nổ sau từng vòng tua máy.
Đó cũng là lý do tại sao Carroll Shelby lại cho rằng lái xe BMW là những người kiêu ngạo, bởi bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần sự đồng điệu, kể cả mối quan hệ giữa chủ nhân và chiếc xe của họ. Với một chiếc xe mang logo BMW, chủ nhân của nó cũng không thể tầm thường bởi họ đều là những người có tâm hồn trẻ trung và giàu có cả về tài chính lẫn tinh thần, như chính “chiến mã” của mình. Rõ ràng, họ có quyền kiêu ngạo như cách người Trung Quốc gọi BMW là “Bao-ma” (dịch nôm na là ngựa quý).
Tính đồng nhất trong triết lý phát triển sản phẩm của BMW trong suốt 1 thế kỷ không chỉ tạo ra những chiếc xe tuyệt vời mà cả những người chơi xe tuyệt vời. Nó ăn sâu vào tư tưởng, của hãng xe lẫn những người đam mê thương hiệu đến từ xứ Bavaria, trở thành “văn hóa Bimmer” theo cách gọi tắt của người Mỹ từ những năm 1970 khi BMW bùng nổ ảnh hưởng tại đây.
Văn hóa Bimmer là nơi tồn tại của những chiếc xe sang trọng với thiết kế chỉn chu đi cùng năm tháng, không hòa theo xu hướng unisex (phi giới tính) của đối thủ. Những khách hàng lựa chọn BMW ngay cả phái đẹp đều là những người yêu một chiếc xe lịch thiệp không khoa trương nhưng vẫn sang trọng, thể thao khó cưỡng. Nó không chỉ thể hiện ở vẻ đẹp bên ngoài mà còn cả sức mạnh nội tại bên trong.
Việc của BMW chỉ “đơn giản” là tạo ra một chiếc xe phóng khoáng nhưng thanh lịch, thể thao nhưng đẳng cấp, hiệu suất cao nhưng không quên tiện nghi hàng đầu và quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm lái xe tuyệt đỉnh. Có thể coi mỗi chiếc xe BMW như một tác phẩm nghệ thuật di động trong thế giới xe sang, như chia sẻ vẫn còn giá trị tới ngày nay của Chris Bangle - Cựu giám đốc thiết kế BMW:
Theo Thanh Niên Online