Cuối năm thường là dịp mà mọi người sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và văn phòng làm việc với mong muốn mọi thứ được sạch sẽ ngăn nắp để đón nhiều may mắn trong năm mới. Chiếc xe - người bạn đồng hành mỗi ngày của chúng ta cũng cần được chú ý bảo dưỡng sau một năm dài chinh chiến trên nhiều chặng đường.
Điều mọi người thường hay thắc mắc là làm sao để biết được những hạng mục nào cần làm bảo dưỡng để tối ưu chi phí cũng như là tránh trường hợp bị những cửa hàng sửa xe "thuốc" bằng một hóa đơn đắt đỏ với rất nhiều hạng mục thay thế không rõ nguyên nhân.
Thực tế, lịch trình bảo dưỡng và mốc kilomet để thay thế các linh kiện hao mòn trên xe thường được các nhà sản xuất liệt kê rõ trên Sổ Bảo Hành hoặc Sách Hướng dẫn Sử dụng đi kèm theo xe. Một số nhà sản xuất chu đáo hơn còn thể hiện các mốc thời gian gian cần bảo dưỡng, thay thế phụ tùng hao mòn trên Website của hãng để khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt thông tin.
Dưới đây là những hạng mục chính cần chú ý bảo dưỡng, thay thế trên xe 2 bánh do Carbiz tổng hợp:
1. Thay dầu (nhớt) động cơ
Tùy thuộc vào loại dầu nhớt động cơ bạn đang sử dụng mà sẽ có thời hạn thay thế tương ứng. Chu kỳ thay dầu nhớt động cơ thường nằm trong khoảng từ 1.000 km đến 5.000 km, trong đó loại dầu nhớt cần thay sớm nhất là dầu nhớt gốc khoáng còn loại dầu nhớt có thời gian sử dụng lâu nhất là dầu nhớt tổng hợp hoàn toàn.
Ngoài thời gian thay nhớt quy định bởi nhà sản xuất thì ta cũng cần chú ý tới điều kiện hoạt động của xe, nếu xe phải hoạt động trong môi trường nóng ẩm nhiều bụi bẩn cũng như phải dừng và đề pa liên tục như trong các thành phố đông đúc, thì thời gian thay nhớt cũng sẽ phải rút ngắn lại.
2. Thay lọc gió và bugi
Tương tự như dầu nhớt động cơ, lọc gió cũng sẽ cần phải thay thế sớm hơn nếu xe phải hoạt động trong môi trường nhiều bụi và bugi cũng có thời gian sử dụng ngắn hơn nếu chất lượng nhiên liệu không được cao. Thông thường, lọc gió sẽ cần thay thế trong khoảng 10.000 đến 12.000 km, còn bugi là 8.000 đến 10.000 km.
Nếu lọc gió và bugi không được thay thế đúng hạn sẽ dẫn đến tình trạng động cơ hoạt động ở hiệu suất thấp, sức mạnh động cơ giảm trong khi đó tiêu hao nhiên liệu tăng. Việc thay thế đúng lúc sẽ giúp quá trình đốt nhiên liệu diễn ra hiệu quả và tiết kiệm hơn.
3. Thay nhông sên dĩa hoặc dây cu-roa
Nhông sên dĩa, hay còn gọi là nhông sên đĩa (NSD), và dây cu-roa là những bộ phận chịu trách nhiệm cho việc truyền sức mạnh từ động cơ đến bánh xe, vì vậy chúng sẽ giãn nở và hao mòn theo thời gian cũng như theo tải trọng của xe.
Đối với NSD, nếu được vệ sinh và bôi trơn định kì có thể kéo dài thời gian sử dụng và giảm độ ồn khi hoạt động. Tuổi thọ của một bộ NSD thường nằm trong khoảng 15.000 đến 30.000 km tùy theo chất lượng gia công và điều kiện chăm sóc.
Dây cu-roa trên xe tay ga thường sẽ được các nhà sản xuất khuyến cáo thay thế trong khoảng từ 18.000 đến 25.000 km, nhưng nếu xe thường xuyên phải hoạt động dưới tải trọng cao thì cũng sẽ làm dây curoa nhanh dãn hơn. Bên cạnh đó, bụi sinh ra trong quá trình hoạt động của bộ ly hợp CVT trên xe tay ga nếu không được vệ sinh định kỳ cũng có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của dây curoa.
4. Vệ sinh bộ nồi (bộ ly hợp)
Việc vệ sinh bộ ly hợp CVT, hay còn gọi là bộ nồi trên các dòng xe tay ga, thường là công việc ít được chú trọng và đối với đa số chị em phụ nữ hầu như cũng sẽ không biết đến hạng mục này.
Thực tế, trong quá trình hoạt động bộ ly hợp CVT sẽ sản sinh ra bụi do sự ma sát của bố ba càng với chuông nồi sau, và bộ ly hợp CVT có một đường thông gió với môi trường bên ngoài để giải nhiệt, từ đó bụi bẩn bên ngoài cũng có thể thâm nhập vào kết hợp với lượng bụi sinh ra sau thời gian sử dụng là tương đối nhiều.
Lượng bụi bẩn này sau khi tích tụ không thoát ra được sẽ gây bào mòn các chi tiết chuyển động bên trong bộ nồi, lâu ngày gây hư hỏng nặng cho các chi tiết của bộ nồi và chủ xe sẽ phải tốn nhiều chi phí để thay thế. Vì thế việc vệ sinh bộ ly hợp CVT định kỳ mỗi 8.000-10.000 km sẽ giúp cho xe tay ga hoạt động mượt mà và êm ái hơn, giảm thiểu hư hỏng những chi tiết bên trong, đặc biệt là khi xe phải di chuyển đường dài về quê trong dịp năm mới.
5. Thay bố thắng và dầu thắng
Ngoài việc giữ cho xe hoạt động ổn định mượt mà thì yếu tố an toàn trong những chuyến đi xa cũng cần được coi trọng. Bố thắng là bộ phận giúp cho xe giảm tốc độ do vậy cũng chịu sự hao mòn nhiều nhất. Bố thắng nếu không được kiểm tra thay thế thường xuyên sẽ làm giảm hiệu quả giảm tốc cũng như gây hư hại cho phần dĩa thắng.
Dầu thắng sau một thời gian sử dụng sẽ có xu hướng bị đục cũng như bị nhiễm nước do đặc tính háo nước của dầu thắng. Dầu thắng bị xuống cấp sẽ ảnh hưởng đến việc truyền áp lực từ tay thắng xuống heo dầu, từ đó làm giảm hiệu quả của thắng gây mất an toàn.
Việc thay thế bố thắng và dầu thắng có thể thực hiện dễ dàng và không tốn quá nhiều thời gian, chỉ cần đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng chính hãng, các kỹ thuật viên sẽ giúp bạn kiểm tra cũng như thay thế đúng loại bố thắng và dầu thắng dành cho xe của bạn.
Bố thắng thường sẽ mòn sau quãng đường sử dụng từ 8.000-15.000 km tùy thuộc vào mức độ sử dụng thắng của người lái. Khi hệ thống thắng phát ra những âm thanh "rít rít" khó chịu, cảm giác bóp thắng không còn mượt mà nhẹ nhàng nữa, đó chính là lúc bạn cần đưa xe đi kiểm tra để kịp thời khắc phục.
6. Bảo dưỡng, thay nhớt phuộc nhún
Phuộc nhún là bộ phận thường sẽ không nhận được nhiều sự quan tâm và mọi người thường có suy nghĩ rằng phuộc nhún có thể hoạt động bình thường mà không cần bảo dưỡng định kỳ. Thực tế, ngoài lò xo thì bên trong phuộc nhún còn có dầu nhớt để hỗ trợ giảm chấn từ mặt đường lên thân xe. Và dầu nhớt trong phuộc sau thời gian dài sử dụng cũng sẽ bị biến chất, cặn bẩn dần hình thành và làm giảm rõ rệt khả năng hấp thu chấn động của phuộc.
Việc thay nhớt thường xuyên sẽ giữ cho phuộc luôn hoạt động ở trạng thái tốt nhất, đem lại trải nghiệm êm ái cho cả người lái và hành khách trong những chuyến đi dài. Hơn nữa, phuộc cũng là một bộ phận quan trọng trong việc hỗ trợ vỏ xe bám chặt xuống mặt đường, một hệ thống phuộc dao động không ổn định sẽ khiến cho bánh xe không thể tiếp xúc tốt với mặt đường, gây nguy hiểm khi xe chạy ở tốc độ cao hoặc ôm cua trên đường ướt trơn trượt. Chu kì bảo dưỡng và thay nhớt cho phuộc nhún vào khoảng 10.000 km tùy thuộc vào điều kiện sử dụng.
6. Thay lọc nhiên liệu
Tình trạng xăng giả, xăng kém chất lượng, xăng chứa nhiều tạp chất sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của xe, do vậy trên mỗi hệ thống bơm nhiên liệu đều có một bộ lọc thô giúp loại bỏ phần nào những cặn bẩn, tránh gây tắc nghẽn cho hệ thống kim phun nhiên liệu.
Đây cũng là một bộ phận thường xuyên bị bỏ quên trong quá trình bảo dưỡng và chỉ được kiểm tra khi động cơ không thể khởi động được nữa. Lọc xăng bám cặn bẩn sẽ làm xe khó nổ máy, động cơ yếu, dễ bị tắt máy…
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, ta nên thay lọc xăng mới sau khoảng 12.000-18.000 km để đảm bảo cho xe có thể vận hành ổn định và bền bỉ. Để chuẩn bị cho một chuyến đi xa về quê đón Tết thì đây cũng là một hạng mục cần chú ý.
7. Thay vỏ xe
Vỏ xe hay còn gọi là lốp xe là một bộ phận quá quen thuộc đối với những người sử dụng xe hai bánh. Vì đây là một bộ phận tương đối bền bỉ và có thời gian sử dụng khá dài nên đôi khi người lái chủ quan không để ý tới. Vỏ xe ngoài việc tạo độ bám với mặt đường còn là lớp đệm giúp hấp thụ chấn động khi xe lao qua những ổ gà, nhờ đó mà các bộ phận khác không bị hư hỏng.
Chúng ta có thể kiểm tra vỏ xe bằng cách quan sát ngoại quan bên ngoài vỏ xe có bị nứt nẻ hay cán phải dị vật gây rò rỉ hơi hay không. Tiếp đến là vạch chỉ độ mòn của vỏ xe, nếu gai vỏ đã mòn chạm tới vạch có nghĩa là ta cần phải thay vỏ mới. Ngoài ra nếu xe để một thời gian lâu không sử dụng, lớp cao su vỏ xe bị chai cứng không còn cảm giác đàn hồi thì chúng ta cũng cần phải thay vỏ mới để đảm bảo độ bám trên mặt đường.
Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi có thể giúp cho mọi người có những thông tin cơ bản để bảo dưỡng xế yêu của mình cho chuyến đi về quê hay du xuân sắp tới