9 công nghệ hàng không được ứng dụng trên ô tô - Phần 2

Nhiều công nghệ từ ngành hàng không đã giúp thay đổi nền công nghiệp ô tô trong hơn một thế kỷ qua, đồng thời giúp người dùng có thêm các tính năng hữu ích.

iPhone on MacBook Keyboard

6. Công nghệ Radar

Hệ thống Radar trong Thế chiến thứ hai

Công nghệ này được ra đời với tên đầy đủ là Radio Detector And Ranging và được phát minh một cách độc lập bởi một số quốc gia vào những năm 1930. Vào thời điểm đó, cả thế giới đều sợ hiểm họa từ máy bay ném bom giống như chúng ta sợ tên lửa hạt nhân ngày nay và công nghệ Radar đã giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng về mặt lý thuyết, bằng cách đưa ra cảnh báo sớm khi các máy bay ném bom tấn công.

Ứng dụng thành công đầu tiên của Radar thuộc về người Anh, họ đã sử dụng hệ thống Radar tên là Chain Home để chỉ đường cho các máy bay chiến đấu của mình chống lại Không quân Đức trong Trận chiến Battle of Britain năm 1940.

Thiết bị Back Sonar được trang bị trên xe Toyota Corona 1982

Nguyên lý hoạt động của Radar lần đầu tiên được ứng dụng trong thế giới ô tô khi Toyota gắn thiết bị có tên ‘Back Sonar’ lên chiếc Toyota Corona đời 1982, giúp hỗ trợ cho quá trình đậu xe bằng cách phát ra tiếng bíp khi xe tiến gần đến chướng ngại vật ở phía sau. 

Năm 1998, công nghệ radar đã được Mercedes-Benz sử dụng trên chiếc W220 S-Class, mang đến cho thế giới hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng dẫn đường bằng Radar đầu tiên có trên một chiếc ô tô thương mại. Ngoài ra, Radar còn được lực lượng cảnh sát ứng dụng vào camera bắn tốc độ của phương tiện tham gia giao thông.

7. Định vị toàn cầu Global Positioning System (GPS)

Vệ tinh GPS

Tai nạn hàng không do bị lạc, hết nhiên liệu và bị rơi là những trường hợp cực kỳ phổ biến trong giai đoạn Thế chiến thứ hai và thời gian sau đó. Để giảm nguy cơ tai nạn hàng không, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu phóng một loạt vệ tinh để giúp định vị máy bay, tàu và tàu ngầm của họ vào những năm 1950. Hệ thống này có tên là TRANSIT. Tuy nhiên, quyền truy cập cho những ứng dụng dân sự chỉ được bắt đầu vào cuối những năm 1980.

Sau đó, hệ thống này được thay thế bởi một hệ thống có độ chính xác cao hơn nhiều được gọi là Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) và hệ thống này bắt đầu hoạt động hoàn toàn vào năm 1993.

Mazda Eunos Cosmo: chiếc xe thương mại đầu tiên được trang bị GPS

Năm 1990, Mazda Eunos Cosmo trở thành chiếc xe thương mại đầu tiên được trang bị định vị vệ tinh GPS. Đến năm 1994, BMW 7-Series (E38) trở thành chiếc xe châu Âu đầu tiên có công nghệ này, và sau đó, Oldsmobile của GM trở thành chiếc xe thương mại đầu tiên của Mỹ được trang bị GPS trong một hệ thống gọi là Guidestar. Cho đến ngày nay, tất cả các thiết bị hỗ trợ GPS đều hoạt động nhờ sự hỗ trợ của Không quân Hoa Kỳ.

8. Phun nhiên liệu (Fuel Injection) 

Chiến đấu cơ lừng danh Messerschmitt Bf 109

Hệ thống phun nhiên liệu cải thiện đáng kể khả năng tiết kiệm nhiên liệu, công suất đầu ra và độ bền bỉ của động cơ đốt trong. Công nghệ này lần đầu tiên được sử dụng trong động cơ máy bay Antoinette V8 và trở nên phổ biến trên máy bay chiến đấu trong Thế chiến thứ hai. Đáng chú ý có thể kể đến động cơ của Đức của chiến đấu cơ Messerschmitt Bf 109, giúp chúng có lợi thế về khả năng xử lý ở tốc độ cao. 

Trong khi đó, động cơ sử dụng chế hòa khí trong các máy bay như Spitfire của Anh có thể bị giảm công suất trong một số thao tác nhào lộn nhất định. Một trong những động cơ phun nhiên liệu nổi bật nhất là động cơ Daimler-Benz DB 601 V12 được sử dụng trên chiếc máy bay Messerschmitt Bf 109.

Mercedes-Benz 300SL 'Gullwing'

Sau chiến tranh, Daimler cần một động cơ hiệu suất cao cho chiếc xe thể thao mới nhằm minh chứng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của hãng trong thời bình. Và Daimler đã sử dụng thiết kế của động cơ 601, cắt giảm một nửa số lượng xi-lanh và giảm kích thước từ 33,9 lít xuống còn 3,0 lít, và thành quả là động cơ mới vẫn mang lại công suất rất mạnh mẽ là 243 mã lực.

Từ đó, Mercedes-Benz đã có động cơ cho chiếc 300SL 'Gullwing' - một trong những chiếc xe nổi tiếng nhất từng được sản xuất, ra mắt vào năm 1954 tại triển lãm ô tô New York, ấn tượng bởi hai cánh cửa mở ngược lên như cánh chim hải âu. Chiếc 300SL sử dụng phun nhiên liệu cơ học, còn phun nhiên liệu điện tử sau đó xuất hiện trên nhiều loại xe do Chrysler sản xuất vào năm 1958.

9. Bộ tăng áp Turbocharger

August Rateau và bộ tăng áp Turbocharger đầu tiên

Bộ tăng áp Turbocharger có tác dụng nén thêm một lượng không khí vào buồng đốt của động cơ để tăng thêm công suất. Mặc dù được cấp bằng sáng chế lần đầu tiên vào năm 1905 nhưng phải đến năm 1915, bộ tăng áp mới lần đầu tiên được trang bị cho động cơ đốt trong.

Kỹ sư người Pháp August Rateau (1863-1930) đã lắp đặt một động cơ turbo trên động cơ Renault được sử dụng bởi máy bay chiến đấu của Pháp trong Thế chiến thứ nhất. Hệ thống tăng áp của ông đã giúp duy trì cùng một mức áp suất không khí trong động cơ bất kể máy bay đạt tới độ cao nào, do đó duy trì hiệu suất của động cơ dù không khí loãng hơn ở độ cao lớn.

Nguyên lý hoạt động của Turbocharger

Ngày nay, bộ tăng áp turbocharger được sử dụng rộng rãi ở động cơ đốt trong trên các loại xe vì chúng giúp tạo ra thêm lượng công suất khá lớn từ các động cơ nhỏ nên turbocharger là một phần quan trọng trong việc cải thiện mức tiêu hao nhiên liệu. Turbocharger cũng rất quan trọng đối với động cơ diesel, vốn có tính ì ạch và sẽ được cải thiện đáng kể nhờ bộ tăng áp.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, tối thiểu 10 chữ, không chứa liên kết.